skip to Main Content

Hướng dẫn thủ tục rút đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định mới nhất

1. Có được rút đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp không?

Nhãn hiệu (cách gọi thông dụng là thương hiệu) là tài sản trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thương nhân, là yếu tố nhận diện và chỉ dẫn thương mại quan trọng đối với cá nhân, tổ chức. Để được ghi nhận là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, được bảo hộ các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, định đoạt nhãn hiệu, đặc biệt là quyền ngăn cấm người khác sử dụng mà không được phép nhãn hiệu của mình thì cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu phải tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau khi cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và được cơ quan Nhà nước tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy trình sẽ được thẩm định hình thức, đăng công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, thẩm định nội dung, cuối cùng là ra Quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu).

Tuy vậy trong thực tế triển khai thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, trong một số trường hợp người nộp đơn thay đổi nhu cầu về việc sở hữu nhãn hiệu hoặc không còn nhu cầu, mong muốn sở hữu và sử dụng nhãn hiệu nữa, thì người nộp đơn hoàn toàn có thể rút đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp. Điểm này đã được quy định rõ trong Điều 116 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, năm 2022 (dưới đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). 

Các trường hợp người nộp đơn yêu cầu rút đơn đăng ký nhãn hiệu có thể là một trong các trường hợp sau đây;

– Người nộp đơn thay đổi về nhu cầu kinh doanh, không có nhu cầu hay dự định tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký. 

– Người nộp đơn nhận thấy nhãn hiệu đang trùng lặp, hoặc có khả năng gây nhầm lẫn cao với các thương hiệu đã có trên thị trường.

– Người nộp đơn nhận thấy nhãn hiệu không có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ do không đáp ứng các điều kiện bảo hộ.

– Người nộp đơn muốn thay đổi chủ sở hữu nhãn hiệu (nhưng không muốn làm thủ tục chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu).

– Người nộp đơn có sơ sót, hoặc kê khai sai thông tin trong đơn đăng ký nhãn hiệu.

– Trường hợp khác.

Như vậy, trong một số trường hợp nào đó, người nộp đơn không còn nhu cầu sở hữu thương hiệu và muốn coi như việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là chưa từng tồn tại thì trước khi đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn hoàn toàn có quyền yêu cầu rút đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp với điều kiện phải nộp tuyên bố rút đơn bằng văn bản cho Cục Sở hữu trí tuệ.

2. Thủ tục rút đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định như thế nào?

Việc rút đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện như sau:

– Thời điểm rút đơn: Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền tuyên bố rút đơn đăng ký nhãn hiệu bằng văn bản do chính mình đứng tên hoặc thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu giấy ủy quyền có nêu rõ việc ủy quyền rút đơn. Việc nộp yêu cầu rút đơn bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ không chấp nhận các hình thức tuyên bố khác.

– Từ thời điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.

– Mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút đều được coi là chưa từng được nộp, trừ đối với trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

– Người có quyền nộp yêu cầu rút đơn đăng ký nhãn hiệu:

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, việc rút đơn phải do chính người nộp đơn hoặc do người đại diện được người nộp đơn ủy quyền thực hiện thông qua tuyên bố bằng văn bản. Việc rút đơn có thể do đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện đối với đơn nộp qua đại diện sở hữu công nghiệp, trong đó văn bản ủy quyền phải nêu rõ việc ủy quyền rút đơn hoặc phải kèm theo thư lệnh chỉ rõ số đơn cần rút. Như vậy, người có quyền rút đơn đăng ký nhãn hiệu phải là chính người nộp đơn hoặc đại diện sở hữu công nghiệp được người nộp đơn ủy quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

– Nội dung, tài liệu kèm theo yêu cầu rút đơn: Nội dung tuyên bố phải có các thông tin cơ bản về: Thông tin chủ sở hữu như tên, địa chỉ, số Căn cước công dân (nếu có), nêu rõ số đơn yêu cầu rút đơn và lý do yêu cầu rút đơn. Trường hợp nộp đơn qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, ngoài tuyên bố rút đơn người nộp yêu cầu rút đơn cần bổ sung giấy ủy quyền (bản sao hoặc bản chính) trong đó có nội dung ủy quyền rút đơn.

– Thời hạn xử lý yêu cầu rút đơn: Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu.

– Quy trình xử lý yêu cầu rút đơn: Trong thời hạn quy định,

Trường hợp yêu cầu rút đơn đáp ứng các quy định về thời điểm và nội, dung tài liệu kèm theo đơn, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận rút đơn và chấm dứt việc xử lý đơn, ghi nhận việc rút đơn trong hồ sơ đơn. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã rút không thể được khôi phục mà chỉ có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Trường hợp yêu cầu rút đơn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục thiếu sót. Nếu hết thời hạn 02 tháng, người nộp đơn không khắc phục thiếu sót hoặc khắc phục thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận rút đơn.

– Chi phí rút đơn đăng ký nhãn hiệu: miễn phí. Hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam không thu phí đối với yêu cầu rút đơn. Tuy nhiên, tất cả chi phí đã nộp tại thời điểm nộp đơn sẽ không được hoàn trả lại.

– Nếu không đồng ý với Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc rút đơn, người nộp đơn có quyền khiếu nại Thông báo chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu rút đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. 

– Người nộp đơn có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận vào bản sao của đơn đầu tiên dùng để hưởng quyền ưu tiên mặc dù người nộp đơn đã rút đơn với điều kiện phải trả chi phí cho việc sao tài liệu.

3. Dịch vụ rút đơn đăng ký nhãn hiệu tại Luật Minh Khuê

Luật Ánh Sáng Việt là đơn vị uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn và triển khai các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ từ việc xác lập quyền cho đến bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho Quý khách hàng. Chúng tôi luôn mong muốn và nỗ lực mang lại những thông tin hữu ích, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Dịch vụ rút đơn theo ủy quyền tại Luật Ánh Sáng Việt sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

– Tư vấn toàn bộ quy trình rút đơn đăng ký nhãn hiệu;

– Hướng dẫn chi tiết chuẩn bị các tài liệu cần thiết và trực tiếp soạn thảo nội dung các giấy tờ phục vụ cho việc rút đơn đăng ký nhãn hiệu;

– Trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu rút đơn tại Cục sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Quý khách hàng;

– Theo dõi quá trình thẩm định hồ sơ, tư vấn và cập nhật thông báo từ phía Cục Sở hữu trí tuệ đến Quý Khách hàng cho đến khi có kết quả cuối cùng;

– Tư vấn khắc phục thiếu sót, bổ sung lại tài liệu (nếu có);

– Nhận kết quả và bàn giao đầy đủ cho Quý khách hàng.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn