skip to Main Content

TỘI THAM Ô TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

I. KHUNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Căn cứ theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi 2017) quy định về tội tham ô tài sản cụ thể như sau:

  1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

– Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

– Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

– Có tổ chức;

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

– Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

  1. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
  2. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 

Trong đó, tổng hợp hình phạt cao nhất của tội này có thể lên đến trung thân hoặc tử hình.

Anh So61 1 447(Bà Trương Mỹ Lan được viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình ngày 19/3/2024)

II. CÁC DẤU HIỆU CẤU THÀNH TỘI THAM Ô TÀI SẢN

  1. Chủ thể

Tội “Tham ô tài sản” được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Người có chức vụ, quyền hạn trong tội “Tham ô tài sản” có đặc điểm là họ có thể là người thực hiện một trong các chức năng đại diện quyền lực Nhà nước, tổ chức để điều hành quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo vị trí, công việc được giao. Là người giữ chức vụ, quyền hạn thường xuyên hoặc tạm thời trong cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong hoặc ngoài Nhà nước. Người có trách nhiệm quản lý tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức như: kế toán, thủ quỹ, thủ kho, bảo vệ … Ngoài ra, những người gián tiếp quản lý tài sản, có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã… cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

  1. Mặt chủ quan

Tội “Tham ô tài sản” cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với những tội có tính chất chiếm đoạt khác, chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do vô ý hoặc cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Do đó, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội “Tham ô tài sản”; nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản) là nằm ngoài ý muốn chủ quan của tội phạm, thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

  1. khách thể
    Tội “Tham ô tài sản” tác động đến các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động chính đáng của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước. Hành vi này làm suy yếu và làm mất uy tín của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của họ. Đối tượng bị ảnh hưởng chính là tài sản được người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý, và thông qua việc tác động đến tài sản này, người phạm tội mới có thể xâm phạm đến lợi ích chung của xã hội. Tài sản này có thể là của nhà nước, được giao cho các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước để quản lý, hoặc là của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước đang được giao cho người phạm tội quản lý.
  2. Mặt khách quan

Tội “Tham ô tài sản” có khía cạnh vật chất, vì vậy mặt khách quan của nó bao gồm hành vi và hậu quả. Hành vi khách quan của tội này là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Việc chiếm đoạt này liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó, họ sẽ khó hoặc không thể thực hiện hành vi này. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện tiên quyết để người phạm tội có thể lợi dụng và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi của hành vi này, không chỉ giới hạn ở việc chiếm đoạt tài sản của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực công mà còn bao gồm cả việc chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

 

Một dấu hiệu khác của tội “Tham ô tài sản” là hậu quả của hành vi phạm tội. Theo quy định của Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu ai lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với việc chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, người phạm tội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu họ đã bị xử lý kỷ luật hoặc kết án về các tội phạm khác.

 

  • XỬ LÝ KHI NGƯỜI BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH CHỦ ĐỘNG NỘP LẠI ÍT NHẤT BA PHẦN TƯ TÀI SẢN THAM Ô

Quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40, BLHS năm 2015 không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án họ chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, lập công lớn. Điều này phản ánh chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, khuyến khích người phạm tội trả lại tài sản đã chiếm đoạt bằng cách tham ô hoặc nhận hối lộ không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà còn hướng tới việc thu hồi tài sản, phần nào bù đắp cho thiệt hại đã gây ra.

Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP, “chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô” có thể hiểu là việc người phạm tội tự nguyện trả lại ít nhất ba phần tư tài sản đã chiếm đoạt sau khi phạm tội. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp người phạm tội đã ảnh hưởng để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em hoặc những người thân khác trả lại tài sản mà họ đã tham ô, nhận hối lộ, hoặc không phản đối việc trả lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình đã chiếm đoạt. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ, như việc xác định tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt thông qua hành vi tham ô tài sản, cũng như việc xác định thiệt hại về mặt tài sản do hành vi phạm tội gây ra không được quy định rõ ràng trong quy định nêu trên. Vì vậy, cần sự hướng dẫn và giải thích rõ ràng hơn từ các cơ quan có thẩm quyền để tạo ra sự nhất quán trong nhận thức của những người tham gia tố tụng, từ đó đảm bảo việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả trong thực tiễn.

 

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn