skip to Main Content

ĐÒI NỢ THUÊ – HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG

Mang quan tài đến nhà, chửi bới, đập phá đồ đạc, mang vũ khí đe dọa, lập bàn thờ cúng và thắp hương ngay trước cửa nhà con nợ. Không hiếm gặp các cảnh tượng các băng đảng xăm trổ, hầm hố kéo nhau tới nhà các “con nợ” với mục đích đòi nợ thuê. Các đối tượng này không biết các hành vi của mình có thể bị pháp luật xử phạt theo quy định.

ĐÒI NỢ THUÊ LÀ NGÀNH NGHỀ BỊ CẤM

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật căn cứ theo Điều 6 của Luật Đầu tư năm 2022 quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Cần phải nhìn nhận rằng không phải đương nhiên pháp luật lại cấm kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê. Quy định này của pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và nhiều lý do khác nhau.

Nguyên nhân chủ yếu ban đầu khiến cho ngành dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm kinh doanh đó là quá trình đòi nợ thuê đã gây ra không ít nguy hại cho xã hội và an ninh trật tự an toàn khu vực. Trên thực tế hiện nay đã có rất nhiều sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê, hay nói một cách chính xác là việc các chủ thể tiến hành đòi nợ thuê đã lợi dụng hoạt động đòi nợ của mình thực hiện các hành vi trái pháp luật, thực hiện những biện pháp xã hội đi ngược với quy định của pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục, trái đạo đức. 

ĐÒI NỢ THUÊ CÓ THỂ BỊ PHẠT TIỀN RẤT NẶNG

Có thể nói theo như phân tích ở trên thì hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do đó các chủ thể khi có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí), mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ được ghi nhận cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, hình phạt bổ sung có thể bị áp dụng đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật. 

Thứ ba, biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật. 

ĐÒI NỢ THUÊ CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Nếu các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê mà đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng điều luật khác nhau. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê như phân tích ở trên có thể kéo theo rất nhiều rủi ro và rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn chung, trong quá trình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì các chủ thể có thể bị truy cứu về các tội chủ yếu sau:

Thứ nhất, tội cưỡng đoạt tài sản: Các chủ thể đòi nợ thuê có thể sử dụng hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác uy hiếp nên tinh thần của con nợ. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng và sức khỏe nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Người phạm tội thực hiện hành vi này với lỗi cố ý với mục đích phạm tội được quy định là mục đích chiếm đoạt tài sản. Nếu không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì các hành vi này sẽ không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Thứ hai, tội gây rối trật tự công cộng: Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phá vỡ tình trạng ổn định hoặc phá vỡ tính có tổ chức và tính có kỷ luật. Hành vi đó có thể là lời nói chửi bới hoặc la hét thậm chí là đập phá tài sản tạo ra những âm thanh ầm ĩ bằng các công cụ khác nhau … hậu quả của tội phạm được quy định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội như gây tắc nghẽn giao thông, làm gián đoạn hoạt động của các chủ thể … 

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn