skip to Main Content

BÍ MẬT CÁC PHIÊN TÒA XÉT XỬ KÍN?

Hiện nay, không ít các vụ án đang được Tòa án đưa ra xét xử kín như vụ án bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị cha ruột và “mẹ ghẻ” bạo hành đến chết. Vậy, xét xử là kín là gì? Xét xử kín được tiến hành trong những trường hợp nào?

Vậy xét xử kín là gì? 

Xét xử được hiểu là hoạt động đánh giá, xem xét bản chất pháp lý của vụ việc với mục đích đưa ra được phán xét về các yếu tố như: tính chất, mức độ pháp lý, từ đó đưa ra phán quyết phù hợp. Xét xử là hoạt động đặc trưng, là chức năng và nhiệm của cơ quan Tòa án. 

Khi xét xử các Tòa án phải tuân theo các nguyên tắc: khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định; Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Xét xử kín được hiểu là phiên xét xử không công khai, trong phiên tòa xét xử không phải tất cả mọi người đều được quyền tham dự phiên tòa như phiên xét xử công khai. Trong phiên xét xử có sự tham gia của: Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết thì không còn ai ở lại trong phòng xét xử nếu là án xử kín; kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.

Tại sao cần xét xử kín?

Căn cứ theo Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xét xử như sau: Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

Như vậy, theo quy định nêu trên Tòa án có thể xét xử kín trong trường hợp sau: 

Thứ nhất, trong trường hợp Tòa án xem xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục. Thông thường những vụ án được xét xử kín là vụ án liên quan đến gây thoát ngân sách nhà nước, tham nhũng, nhận hối lộ,… liên quan đến bí mật nhà nước. 

Thứ hai, xét thấy bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi. Các vụ điển hình thường là các vụ án hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, dâm ô,… Bởi những vụ án này có sự ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dưới 18 tuổi trong giai đoạn chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý. Vừa qua ngày 27/7/2022, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sở thẩm, đây là phiên xét xử kín, điều này đảm bảo được bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ đối tượng trẻ em tránh hình ảnh, video bạo lực,…

Thứ ba, giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của các đương sự. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai cụ thể:

+ Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn do Bộ luật dân sự quy định, bảo đảm công bằng.

+ Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì với các vụ việc dân sự cần bảo vệ người chưa thành niên hoặc phải giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của các đương sự. 

Ngoài ra căn cứ theo Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định các quyền, nghĩa vụ Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

– Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

– Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

– Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

– Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

–  Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này,…

Người dân có được biết kết quả của phiên xét xử kín không?

Hiện nay, nhiều bạn đọc còn thắc mắc đối với vụ án xét xử kín thì bản án có được công khai hay không. Căn cứ theo theo Điều 327 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về tuyên án như sau: Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Theo quy định của pháp luật, tuy xét xử kín nhưng bản án phải được công khai cho mọi người, thông thường công khai phần quyết định của Tòa án nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư, quyền lợi của người dưới 18 tuổi, trái với việc xét xử kín.

Nghĩa là trong phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo, không công bố nội dung vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị cáo để đảm bảo các yêu cầu để Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. 

Việc pháp luật quy định tuyên án công khai với mục đích nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó thể hiện sự giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết của nhân dân.

Ngoài ra, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe, giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn