NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Tình huống:
Thưa luật sư, tôi năm nay 24 tuổi, mang quốc tịch Pháp, vừa mới kết hôn với chồng mang quốc tịch Việt Nam vào năm ngoái tại Việt Nam và chúng tôi sống ổn định ở Việt Nam. Chồng tôi có con riêng năm nay đã 16 tuổi, tôi muốn nhận cháu làm con nuôi thì có được không? Mong luật sư tư vấn cho gia đình chúng tôi!
Công ty Luật Ánh Sáng Việt cảm ơn câu hỏi từ quý khách, chúng tôi xin tư vấn về điều kiện nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam cho bạn như sau:
Nuôi con nuôi (NCN) có yếu tố nước ngoài là một loại quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh trong đó các bên tham gia phải đáp ứng được những điều kiện do nhà nước quy định, có những quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, NCN có yếu tố nước ngoài còn chịu sự tác động của pháp luật quốc tế trong đó có các quy định tại các Hiệp định song phương và đa phương mà các nước có chủ thể tham gia quan hệ ký kết. Tình huống của Chị thuộc vào trường hợp “mẹ kế của người được nhận làm con nuôi” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Luật NCN 2010. Như vậy quan hệ NCN giữa Chị – người nhận NCN và người được nhận NCN sẽ chịu sự điều chỉnh của:
- Pháp luật Việt Nam về NCN: Luật NCN 2010, LHNGĐ 2014, Luật Hộ tịch 2014, Bộ luật dân sự 2015,…;
- Pháp luật Cộng hòa Pháp về NCN: BLDS Cộng hòa Pháp 1804 sửa đổi, bổ sung,…;
- Pháp luật quốc tế mà các nước tham gia ký kết: Công ước La Hay 1993, Hiệp định Hợp tác về NCN giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp 2000,…
Để Chị có thể nhận con riêng của chồng làm con nuôi, trước hết phải xét đến điều kiện của các chủ thể trong quan hệ NCN. Chị đã kết hôn hợp pháp với chồng là công dân Việt Nam và muốn nhận con riêng của chồng làm con nuôi của mình, đây thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật NCN 2010, nghĩa là, ngay cả khi Chị mới vừa đủ 18 tuổi, chưa chứng minh được các điều kiện về sức khỏe, kinh tế và chỗ ở vẫn có thể nhận con riêng của chồng mình làm con nuôi. Đồng thời, trường hợp trên cũng trở thành ngoại lệ để Chị có thể nhận con riêng của chồng làm con nuôi mặc dù cháu đã đủ 16 tuổi. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Luật NCN 2010, Chị thỏa mãn điều kiện đối với người nhận con nuôi, và căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 8 Luật NCN 2010, người con riêng của chồng cũng thỏa mãn điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi.
Tuy nhiên, xét về các điều kiện của người nhận NCN theo quy định của pháp luật Pháp như khoảng cách độ tuổi giữa người nhận con nuôi và con nuôi, điều kiện về gia đình, xã hội, tâm lý và giáo dục của người nhận con nuôi thì Chị có thể sẽ không thỏa mãn. Như vậy, tại tiêu chí về chủ thể trong quan hệ NCN giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp đã có sự xung đột pháp luật nhất định. Trong tư pháp quốc tế, khi có sự hiện diện của các chủ thể có quốc tịch khác nhau hoặc có nơi thường trú/ cư trú khác nhau thì đều dẫn đến xung đột pháp luật, quan hệ NCN có yếu tố nước ngoài cũng không tránh khỏi điều này. Theo Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp 1804: “Điều kiện NCN được xác định theo luật của nước mà người nhận nuôi mang quốc tịch, hoặc trong trường hợp người nhận nuôi là một cặp vợ chồng, thì theo luật áp dụng đối với quan hệ hôn nhân của họ” và theo Công ước La Hay 1993, người nhận nuôi phải đáp ứng điều kiện NCN theo quy định của pháp luật nơi người đó thường trú.
Như vậy, nếu vợ chồng Chị đăng ký hôn nhân và thường trú tại Việt Nam, các điều kiện về chủ thể trong quan hệ NCN như đã phân tích ở trên có thể sẽ được công nhận, ngược lại tại Pháp, việc công nhận có thể bị từ chối, nếu xét thấy việc NCN trái với những nguyên tắc và giá trị cơ bản của nước có chủ thể nhận NCN. Trong trường hợp này, các nước có chủ thể trong quan hệ NCN có yếu tố nước ngoài có thể cùng nhau bàn bạc biện pháp giải quyết để bảo vệ quyền lợi của trẻ em đã cho làm con nuôi. Các quy định về thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục và việc công nhận việc NCN có yếu tố nước ngoài căn cứ theo Hiệp định Hợp tác về NCN giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp năm 2000, Luật NCN năm 2010, Công ước La Hay năm 1993 và các quy định khác có liên quan. Trong đó lưu ý tới ý kiến đồng ý cho Chị nhận con riêng của chồng làm con nuôi của mẹ đẻ của cháu và sự đồng ý từ phía chính người được nhận NCN.
Trên đây là sơ lược ý kiến tư vấn của ASV liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của ASV sẽ hữu ích cho Quý khách.
Công ty Luật Ánh Sáng Việt chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về doanh nghiệp với đội ngũ chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp. Quý khách hàng cần tư vấn cụ thể và hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ đến đường dây nóng: 0961 204 082.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com