skip to Main Content

QUAN HỆ CẤP DƯỠNG GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

Trong gia đình, cha mẹ và con cái luôn có mối quan hệ rất gần gũi và gắn bó. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái không được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể về quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái và quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này.

1. Khái niệm quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái

Khoản 24, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (gọi tắt là Luật HNGĐ) định nghĩa như sau:

“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.

Như vậy, quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái là quan hệ giữa hai bên mà một bên có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bên còn lại trong trường hợp bên còn lại chưa thành niên hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp theo quy định của pháp luật. 

2. Điều kiện phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái

Có hai khả năng xảy ra trong quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái. Thứ nhất, cha mẹ cấp dưỡng cho con. Thứ hai, con cấp dưỡng cho cha mẹ.

* Điều kiện phát sinh quan hệ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con

Điều 110 Luật HNGĐ 2014 quy định như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Như vậy, có hai điều kiện phát sinh quan hệ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con:

Thứ nhất, nếu con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Điều này giúp cho người con có thể nhận được những lợi ích cần thiết từ cha mẹ trong trường hợp chưa thể hoặc không thể tự nuôi mình. 

Thứ hai, cha mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Trường hợp này thường xảy ra sau khi cha mẹ ly hôn, con sống với cha hoặc mẹ, khi đó người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bên cạnh đó cũng có trường hợp người cha (hoặc mẹ) cấp dưỡng cho con khi giữa cha mẹ của trẻ không tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp và người con đó sống chung với mẹ (hoặc cha). Trường hợp cha mẹ sống chung với người con, có nghĩa vụ nuôi dưỡng con nhưng trốn tránh nghĩa vụ đó thì họ buộc phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người con.

* Điều kiện phát sinh quan hệ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ

Điều 111 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Như vậy, quan hệ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ phát sinh khi đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, con đã thành niên và không sống chung với cha mẹ. Thứ hai, cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 

3. Phương thức thực hiện cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái

Điều 117 Luật HNGĐ quy định: 

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Về mặt nguyên tắc, việc cấp dưỡng được đặt ra nhằm đảm bảo cho người được cấp dưỡng được chu cấp lợi ích vật chất thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ trong cuộc sống và sinh hoạt. 

Vì vậy, thông thường việc cấp dưỡng được thực hiện liên tục và thường xuyên sẽ phù hợp với mục đích của cấp dưỡng hơn. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc thực hiện cấp dưỡng theo năm, thậm chí một lần. Ngoài ra cũng có thể thỏa thuận tạm ngừng hoặc thay đổi phương thức cấp dưỡng nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. 

4. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái

Những trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định chi tiết tại Điều 118 Luật HNGĐ. Đối với việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái, có thể xảy ra những trường hợp sau: 

– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

– Trường hợp khác theo quy định của luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con cái.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn