“HÔI VÀNG” DO CƯỚP VỨT RA ĐƯỜNG CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO
Ngày 31/7/2022, tại Thành phố Huế, một đối tượng trang bị súng AK đã xông vào tiệm vàng tại khu vực chợ Đông Ba bắn vỡ cửa trưng bày sao đó lấy vàng. Số vàng cướp được đối tượng đã ném ra ngoài đường, thấy vậy rất nhiều người đã bất chấp nguy hiểm lao vào nhặt. Hành vi “hôi của” không phải mới xuất hiện mà đã diễn ra nhiều lần khiến cộng đồng bức xúc. Vậy hành vi “hôi của” trong trường hợp trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp người nhặt được vàng khi đã được cơ quan chức năng yêu cầu giao nộp nhưng không thực hiện có thể đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính:
Căn cứ điểm đ khoản 2, điểm a điểm b Khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;”
Như vậy, nếu số tài sản chiếm giữ dưới 10 triệu đồng, người “hôi của” có thể bị phạt hành chính từ 3 đến 5 triệu đồng, bị buộc trả lại tài sản mà mình chiếm giữ trái phép.
Về xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1.Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, nếu giá trị tài sản chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”
Bên cạnh đó, nếu trong lúc “hôi của”, chủ sở hữu vàng có yêu cầu trả lại nhưng vẫn không trả lại mà nhanh chóng tẩu thoát hoặc có dùng vũ lực đối với bị hại thì có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Cướp giật tài sản”.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com