skip to Main Content

TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ TỘI SỬ DỤNG CON DẤU, TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Các thủ tục nói chung luôn đòi hỏi những giấy tờ, tài liệu nhất định. Trong thời đại công nghệ, kỹ thuật ngày càng phát triển như hiện nay, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng chúng vào mục đích trái pháp luật có xu hướng gia tăng. Vậy tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức là gì?  

1. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là gì?

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS).

Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức đó. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần. 

Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.

2. Cấu thành tội phạm

  • Khách thể của tội phạm

Hai hành vi phạm tội nêu trên đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính về con dấu, tài liệu.

  • Mặt khách quan của tội phạm

– Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức, cụ thể là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng.

Có hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức, cụ thể là hành vi viết, vẽ, in…các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng. 

Khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật của cơ quan, tổ chức. Nếu cơ quan, tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có con dấu, tài liệu thật làm căn cứ.

Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cũng cần lưu ý rằng nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội là “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”. Nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì chỉ định tội là “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

– Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc các loại giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật. Người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và người sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật không nhất thiết phải là cùng một người. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức phải là những cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của hai tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành. 

  • Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của hai hành vi trên là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

  • Chủ thể của tội phạm

Người có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, những người phạm tội này cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm trong việc khắc con dấu, trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

3. Hình phạt

Điều 341 BLHS quy định 03 khung hình phạt chính đối với hai tội trên, cụ thể:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm với các trường hợp sau: 

  • Có tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
  • Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
  • Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
  • Tái phạm nguy hiểm.

– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với các trường hợp sau:

  • Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
  • Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
  • Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn