THỦ TỤC GIẢI THỂ CÔNG TY CỔ PHẦN
Có một số người vẫn thường hay nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “giải thể” doanh nghiệp và “phá sản” doanh nghiệp. Mặc dù về bản chất cả 2 cụm từ này đều chỉ sự chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp, tuy nhiên chúng vẫn có rất nhiều sự khác biệt đáng kể liên quan đến thủ tục, hồ sơ, hậu quả pháp lý,… Vậy đối với công ty cổ phần, Quy trình giải thể doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào?
1. Tìm hiểu về giải thể
a. Khái niệm
Giải thể doanh nghiệp là quá trình kết thúc sự nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp một cách hợp pháp trong điều kiện doanh nghiệp phải có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài sản cũng như các nghĩa vụ có liên quan.
Như vậy có thể hiểu cơ bản giải thể doanh nghiệp, giải thể công ty là việc một doanh nghiệp rút khỏi thị trường kinh doanh dựa trên ý chí chủ quan của doanh nghiệp hoặc do ý chí của cơ quan có thẩm quyền sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ tài sản.
b. Đặc điểm
Thứ nhất, giải thể là thủ tục mang tính chất hành chính. Vì khi thành lập, gia nhập thị trường kinh tế, các doanh nghiệp phải có những thủ tục pháp lý về đăng ký thành lập doanh nghiệp vậy nên khi kết thúc hỏa động kinh doanh, công ty cũng sẽ phải thông báo về việc giải thể để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó giúp cho nhà nước cũng như cơ quan thuế nắm được tình hình hoạt động của các công ty doanh nghiệp trong địa bàn và không gây ra những sai sót về thống kê danh sách các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Thứ hai, hệ quả của việc giải thể là mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chấm dứt, đồng thời xóa sổ doanh nghiệp trên thị trường kinh tế. Đây là một hệ quả tất yếu khi đã có thể đáp ứng được những trình tự pháp lý về giải thể và đó là mong muốn của chủ thể kinh doanh.
Thứ ba, doanh nghiệp khi thực hiện giải thể phải đảm bảo thanh toán toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.
2. Điều kiện và thủ tục giải thể công ty cổ phần
a. Điều kiện giải thể công ty cổ phần
Có hai điều kiện để giải thể công ty cổ phần được tiến hành là:
Công ty cổ phần phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của mình. Đây là quy định nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan tới công ty. Điều này cũng là điểm phân biệt sự khác nhau giữa giải thể và phá sản.
Công ty cổ phần đang không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài thương mại. Nếu công ty đang thực hiện thủ tục tố tụng tại tòa hay đang giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại thì khi đó công ty sẽ không đủ điều kiện để giải thể công ty.
b. Thủ tục giải thể công ty cổ phần
Có rất nhiều trường hợp giải thể doanh nghiệp được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020, tuy nhiên hôm nay, Luật Ánh Sáng việt sẽ giới thiệu về thủ tục trong trường hợp giải thể doanh nghiệp do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại điều 71 nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận được quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Kèm theo thông báo là quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng của doanh nghiệp thành tình trạng đang làm thủ tục giải thể trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và gửi thông tin về việc giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan thuế. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp bị Cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không cần gửi thông tin.
Bước 2:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần phải triệu tập họp đa số để quyết định giải thể. Các nghị quyết, quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
(Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp nếu thuộc trường hợp pháp luật yêu cầu đăng báo phải được đăng ít nhất trên 01 tờ báo in hoặc báo điện tử trong 03 số liên tiếp.)
Đồng thời, doanh nghiệp bắt đầu thanh toán hết các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên như sau:
Các khoản nợ và quyền lợi liên quan của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
Nợ thuế;
Các khoản nợ khác;
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Đối với trường hợp doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán được hết các khoản nợ thì gửi hồ sơ kèm theo đó là các phương án để giải quyết nợ, thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ:
Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
*Lưu ý:
Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Bước 4:
TH1: Nếu tiếp nhận được hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho Cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
TH2: Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối bằng văn bản của bên có liên quan.
Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.
Trên đây các nội dung liên quan đến giải thể công ty cổ phần, nếu người quản lý công ty không thực hiện đúng đủ được các bước như trên sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do không thực hiện. Vì vậy, khi có nhu cầu giải thể, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự tư vấn từ các Luật Sư có kinh nghiệm để bảo đảm các trình tự, thủ tục được hợp pháp.
Nếu có điều gì cần thắc mắc, xin vui lòng liên hệ Hotline: 0936214556 – 024.66846117 để được hỗ trợ.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com