skip to Main Content

THỦ TỤC BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG KHÁC

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bị hại, người làm chứng, người tố giác tội phạm là những người tham gia tố tụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chứng minh sự thật khách quan của vụ án hình sự, họ là những người dễ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong quá trình tham gia tố tụng. Vậy họ có được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ mình trong quá trình tham gia tố tụng hay không?

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận chế định “Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác”. Đây là một chế định vô cùng tiến bộ và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chế định này không chỉ thể hiện sự kiên quyết của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm của người dân trong quá trình tham gia tố tụng mà còn bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng được pháp luật ghi nhận, tạo điều kiện để họ thực hiện nghĩa vụ theo luật định.

Bảo Vệ

Thế nào là thủ tục bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác?

Đây là một thủ tục đặc biệt trong Tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra có thẩm quyền quyết định, áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người này bị xâm hại hoặc đe dọa bị xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm khi tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Đặc điểm của thủ tục bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác?

  • Đây không phải là một thủ tục tố tụng hình sự được áp dụng để giải quyết một vụ án hình sự
  • Thủ tục này không được xem xét, áp dụng trong mọi vụ án hình sự
  • Việc áp dụng thủ tục này có khả năng hạn chế các quyền tự do cá nhân của người được bảo vệ cũng như người thân thích của họ, thậm chí có thể ảnh hướng đến các hoạt động bình thường của các cá nhân, cơ quan, tổ chức

Quy định của pháp luật về thủ tục bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác?

Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác được quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:

Điều 484: Quy định về các đối tượng được áp dụng biện pháp bảo vệ và quy định về quyền, nghĩa vụ của các đối tượng đó;

Điều 485: Quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ;

Điều 486: Quy định về các biện pháp bảo vệ;

Điều 487 – Điều 490: Quy định về trình tự thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ.

Đánh giá về chế định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác

Bảo vệ những đối tượng dễ bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, tài sản,… trong quá trình tham gia tố tụng hình sự là một chế mới của pháp luật Việt Nam, tuy còn có nhiều bất cập, khó khăn như: 

  • Đối tượng được bảo vệ: có hay không nên bổ sung thêm những đối tượng cần được bảo vệ khác như người làm chứng, người phiên dịch, dịch thuật hay cả những người đại diện theo ủy quyền, người bào chữa, người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự đến những người tiến hành tố tụng.
  • Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác còn quy định rất chung về thẩm quyền, biện pháp áp dụng mà chưa hướng dẫn cụ thể về quy trình áp dụng dẫn đến khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng.
  • Ngoài ra còn có một số các hạn chế khác về kỹ thuật lập pháp, phạm vi chủ thể có thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ hay các thuật ngữ, cụm từ còn mang tính tùy nghi, trừu tượng như “cần thiết” tại Điều 488 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Tuy nhiên như đã nói ở trên, chế định mới này đã là một bước tiến bộ lớn của nền lập pháp Việt Nam, hứa hẹn trong tương lai sẽ có những sự hoàn thiện, thay đổi, hướng dẫn, quy định chi tiết hơn về chế định này giúp đảm bảo quyền và nghĩa vụ không chỉ của những người tham gia tố tụng mà còn của chính các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của ASV liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của ASV sẽ hữu ích cho Quý khách.

Công ty Luật Ánh Sáng Việt chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về doanh nghiệp với đội ngũ chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp. Quý khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vui lòng liên hệ đến đường dây nóng: 0961 204 082.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn