skip to Main Content

NGƯỜI VIỆT NAM PHẠM TỘI Ở NƯỚC NGOÀI CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM?

Câu hỏi: Luật sư cho tôi hỏi, nếu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài mà có hành vi phạm tội thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam không?

Luật sư ASV trả lời: 

1. Căn cứ pháp lý

     Điều 6 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 quy định về Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: 

1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này. 

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.

2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

3. Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.”

2. Bình luận

     Căn cứ theo quy định tại Điều 6 BLHS 2015 có thể hiểu các hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể áp dụng BLHS (chứ không phải là sẽ áp dụng BLHS). Những trường hợp có thể áp dụng BLHS trong Điều luật này như sau: 

     – Chủ thể phạm tội là công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam 

    – Hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc của nước CHXHCN Việt Nam 

     – Theo quy định của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên 

     Như vậy, hành vi phạm tội ở nước ngoài của công dân Việt Nam vẫn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự của Việt Nam.

     Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm diễn ra tại ngoài lãnh thổ Việt Nam còn cần đến sự hỗ trợ của nước sở tại thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại về việc dẫn độ tội phạm.

     Cụ thể, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Trong trường hợp, không có Hiệp định tương trợ tư pháp việc tương trợ trong việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra,… sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể.

     Nếu nước sở tại không dẫn độ người phạm tội, thì người này có thể bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng tại nước sở tại. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn