skip to Main Content

KHÁI QUÁT VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ NUÔI CON NUÔI

1.Khái niệm về nuôi con nuôi

Nuôi con nuôi là việc một người đã trưởng thành (hoặc một cặp vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp) nhận một hay nhiều trẻ em không do mình trực tiếp sinh ra làm con. Việc nhận nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha, mẹ – con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, tức là kể từ thời điểm nhận con nuôi, người nhận con nuôi có tư cách là cha, mẹ của trẻ em được nhận làm con nuôi.

Luật nuôi con nuôi năm 2010 của Việt Nam quy định: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha, mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Việc nuôi con nuôi phải đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đăng ký, các nghi thức nhận nuôi con nuôi khác (như giấy tờ viết tay giữa cha mẹ đẻ cho con đẻ của mình làm con nuôi người khác hay người nhận con nuôi lập đàn lễ cúng tế tổ tiên về việc nhận con nuôi hoặc nhặt được trẻ bị bỏ rơi thì mang về nuôi mà …không khai báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đều không có giá trị pháp lý và không được nhà nước công nhận, giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không có các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật.

Như vậy, quan hệ gia đình, quan hệ cha, mẹ – con giữa người nhận nuôi con nuôi với người được nhận làm con nuôi được hình thành từ quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc và phải được nhà nước công nhận.

2. Phân biệt mối quan hệ giữa cha mẹ với con đẻ và cha mẹ nuôi với con nuôi

a) Sự giống nhau trong quan hệ pháp luật giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và cha mẹ nuôi với con nuôi

Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ nuôi với con nuôi giống như quan hệ pháp luật giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ. Dù là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi, là con đẻ hay con nuôi thì cha, mẹ, con đều có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm lo việc học tập, giáo dục con, đại diện cho con chưa thành niên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con, không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

– Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ; không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

– Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

– Cha, mẹ, con có quyền thừa kế di sản của nhau và ở hàng thừa kế thứ nhất.

b) Sự khác nhau trong quan hệ pháp luật giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và cha mẹ nuôi với con nuôi

Sự khác nhau trong quan hệ giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và cha mẹ nuôi với con nuôi ở sự hình thành quan hệ cha, mẹ, con:

– Cha, mẹ đẻ với con đẻ được hình thành từ quan hệ huyết thống, con do cha mẹ trực tiếp sinh ra – đương nhiên được nhà nước công nhận là cha, mẹ, con. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định; hoặc cha, mẹ đẻ không được thừa nhận là cha, mẹ của con mình thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định và ngược lại người được người khác nhận là cha, mẹ cũng có quyền yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Pháp luật không công nhận việc chấm dứt quan hệ cha, mẹ đẻ với con đẻ vì đi ngược truyền thống, phong tục tập quán, vi phạm văn hóa, trái đạo đức xã hội (cha, mẹ đẻ “từ” con hoặc con đẻ “từ” cha, mẹ mình) . Việc không thừa nhận một người là cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ phải do Tòa án xác định (dựa trên chứng cứ khoa học như xét nghiệm, giám định gen DNA…).

– Cha, mẹ nuôi với con nuôi được thiết lập từ quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc và phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt khi có một trong các căn cứ theo quy định của pháp luật và do Tòa án ra quyết định. Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Do trẻ em còn nhỏ, chưa phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ nên cần phải được bảo vệ, nuôi nấng, cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm để phát triển đầy đủ và hài hoà nhân cách của mình.

Các thủ tục pháp lý về nuôi con nuôi, quý khách hàng vui lòng tìm hiểu thêm tại đây.

Trân trọng!

Công ty Luật Ánh Sáng Việt là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý về Hôn nhân và gia đình về nuôi con nuôi, tư vấn ly hôn, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân… Quý khách cần tư vấn có thể gọi cho chúng tôi qua hotline hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn