skip to Main Content

HÀNH VI CHO VAY LÃI NẶNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

  1. Thế nào là “cho vay lãi nặng”

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”

Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20%/năm : 12 tháng = 1,666%/tháng

Như vậy, nếu mức lãi suất vượt quá 100%/năm của khoản tiền vay thì sẽ được coi là trường hợp cho vay lãi nặng.

  1. Cho vay lãi nặng bị xử lý như thế nào

Trường hợp 1. Xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay lãi nặng như sau:

”1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

  1. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội này là cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, tức là vượt quá mức lãi suất 100%/năm.

Ngoài ra, để thỏa mãn về mặt khách quan cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì phải đáp ứng thêm điều kiện về số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Chủ thể của tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện.

Trường hợp 2. Xử lý hành chính

Tuy nhiên, không phải trường hợp cho vay nặng lãi nào cũng cấu thành tội cho vay lãi nặng.

Trường hợp nếu mức lãi suất cá nhân cho vay là trên mức 20%/năm nhưng lại chưa đến mức 100%/năm để bị xử lý hình sự hoặc chưa thoả mãn điều kiện để xử lý hình sự thì cá nhân đó sẽ bị phạt hành chính.

Căn cứ Khoản 4, Khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi cho vay vượt quá mức 20%/năm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn