QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân. Đây là vấn đề cơ bản của pháp luật dân sự, là tiền đề của các quan hệ pháp luật dân sự về tài sản ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bộ luật dân sự của Việt Nam coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở quan trọng cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế,…
QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN LÀ GÌ?
Quyền sở hữu tài sản là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội.
Quyền sở hữu là quyền duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản; quyền sở hữu là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ thể đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Các quyền năng thuộc nội hàm của quyền sở hữu có thể chuyển giao đồng thời cho người khác nhưng chỉ là chuyển giao có thời hạn.
Như vậy những người có quyền khác đối với tài sản có phạm vi quyền và thời hạn quyền chỉ có tính tương đối.
QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN BAO GỒM NHỮNG QUYỀN NÀO?
Căn cứ Điều 158, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nội dung quyền sở hữu tài sản như sau:
“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.
(1) Quyền chiếm hữu
– Chiếm hữu là quyền được nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với tài sản.
– Chiếm hữu bao gồm:
+ Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
+ Chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình
+ Chiếm hữu liên tục
+ Chiếm hữu công khai
(2) Quyền sử dụng
– Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
– Quyền sử dụng gồm:
+ Quyền sử dụng của chủ sở hữu: Được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và của người khác.
+ Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu: Được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo pháp luật cho phép.
(3) Quyền định đoạt
– Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
– Quyền định đoạt gồm:
+ Quyền định đoạt của chủ sở hữu: Quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy đối với tài sản.
+ Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu: Quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo pháp luật cho phép.
NGUYÊN TẮC XÁC LẬP, THỰC HIỆN QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Nguyên tắc pháp luật điều chỉnh khi chủ thể xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là theo Bộ luật này và các luật khác có liên quan. Có thể nói quy định pháp luật đã khẳng định nguyên tắc áp dụng luật được quy định tại Điều 4 của Bộ luật dân sự và cũng là nguyên tắc chung khi các chủ thể thực hiện các quyền.
Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
THỜI ĐIỂM XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ theo các thứ tự xác định sau:
– Theo quy định luật đối với các trường cụ thể;
– Nếu không có quy định cụ thể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận;
– Nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Hoa lợi, lợi tức được xác lập cho bên có tài sản chuyển giao khi tài sản đó chưa được chuyển giao.
CÁC PHƯƠNG THỨC BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Bộ luật dân sự quy định các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản bao gồm những phương thức sau:
– Chủ sở hữu tài sản thực hiện tự bảo vệ và ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
– Chủ sở hữu tài sản có quyền:
+ Yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
+ Yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu tài sản của mình.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại khi xâm phạm quyền sở hữu của mình.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com