skip to Main Content

PHÂN BIỆT “BẢO LÃNH” VÀ “BẢO LĨNH”

Hiện nay, không ít người có sự nhầm lẫn trong việc hiểu 2 thuật ngữ “bảo lãnh” và “bảo lĩnh”. Thực tế, 2 thuật ngữ nêu trên hoàn toàn khác nhau, có cơ sở pháp lý, khái niệm, bản chất… khác nhau. Cụ thể:

1.Về lĩnh vực pháp luật

  • Về bảo lãnh, Căn cứ Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ quy định:

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

1. Cầm cố tài sản; 2. Thế chấp tài sản; 3. Đặt cọc; 4. Ký cược; 5. Ký quỹ; 6. Bảo lưu quyền sở hữu; 7. Bảo lãnh; 8. Tín chấp; 9. Cầm giữ tài sản.

     Như vậy, bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về mặt khách quan có thể hiểu bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là sự quy định của pháp luật, cho phép các chủ thể trong giao dịch dân sự hoặc các quan hệ dân sự khác áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm cho một nghĩa vụ chính được thực hiện đồng thời xác định và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó. Tóm lại, “Bảo lãnh” là biện pháp được thực hiện trong phạm vi lĩnh vực dân sự.

  • Về bảo lĩnh, Căn cứ khoản 1 Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn:

     “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.” Như vậy, bảo lĩnh là một trong các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự và được quyết định bởi người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

2. Về khái niệm

  • Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (căn cứ Điều 335 Bộ luật dân sự 2015).
  • Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh (căn cứ khoản 1, Điều 121, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

3. Về nội dung

  • Về nội dung và phạm vi của bảo lãnh được quy định từ Điều 336 đến Điều 343 Bộ luật Dân sự 2015.
  • Đối với bảo lĩnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3, Điều 121, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể là các nghĩa vụ sau: “a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này”. (khoản 2 và khoản 3, Điều 121, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

4. Về chủ thể

  • Các chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh, bao gồm: Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Các chủ thể này có thể là các cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của luật dân sự có liên quan.
  • Trong bảo lĩnh, bao gồm các chủ thể:

Người bảo lĩnh: Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người.

Người được bảo lĩnh: Bị can, bị cáo trong vụ án hình sự;

Người tiến hành tố tụng có thẩm quyền: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án Quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh (khoản 1, Điều 113; khoản 4, Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

5. Về hậu quả pháp lý

  • Bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  • Người được bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì bị tạm giam. Bên cạnh đó, Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

6. Về hình thức

  •  Hai việc “bảo lãnh” và “bảo lĩnh” đều phải được lập thành văn bản. Đối với bảo lãnh, do đây là quan hệ dân sự nên thường được lập dưới hình thức hợp đồng. Đối với bảo lĩnh thì phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn