skip to Main Content

PHẠM TỘI DO DÙNG RƯỢU BIA CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Câu hỏi: Luật sư cho tôi hỏi, sau khi dùng rượu bia dẫn đến không kiểm soát được bản thân mà có những hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Luật sư ASV trả lời:

     Căn cứ theo theo định từ Điều 20 đến Điều 26 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự gồm:

– Sự kiện bất ngờ: Không thể thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội;

– Không có năng lực trách nhiệm hình sự: Đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;

– Phòng vệ chính đáng: Vì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, của người khác… mà chống trả một cách cần thiết;

– Tình thế cấp thiết: Vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khác… mà không còn cách nào khác phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn;

– Trong khi bắt giữ người phạm tội;

– Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ: Dù đã thực hiện đúng quy trình, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn có thiệt hại;

– Thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

     Theo đó, việc mất năng lực nhận thức hoặc mất năng lực điều khiển hành vi do dùng rượu, bia không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.

     Bên cạnh đó, Điều 13 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Như vậy, luật đã quy định việc mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Người mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (do chủ quan) chứ không phải (do khách quan) là bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015. Trên thực tế những người này là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, việc mất năng lực, hạn chế năng lực do sử dụng bia, rượu, chất kích thích là do họ tự đặt mình vào trong trường hợp đấy. Người phạm tội hoàn toàn ý thức được điều này. 

     Tuy nhiên, đối với trường hợp không có lỗi đối với việc dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như say rượu bệnh lý hoặc do bị mắc lừa mà dùng nhầm chất kích thích mạnh (ma túy) hay bị cưỡng bức, ép buộc dùng rượu, bia, ma túy mà rơi vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng đó.

     Phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác KHÔNG được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn là tình tiết định khung hình phạt cao hơn tại một số tội như Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ…

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn