skip to Main Content

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1.Khái niệm:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

2.1. Điều kiện về người nhờ mang thai hộ:

Khoản 1,2 điều 95 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau về điều kiện  người nhờ mang thai hộ:

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.

Vợ chồng trong trường hợp này được hiểu là những người có hôn nhân hợp pháp, nghĩa là có đăng kí kết hôn hoặc quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987. Đã có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi trước đó đã áp dụng các biện pháp kĩ thuật hỗ trợ sinh sản rồi.

Chỉ cho phép áp dụng mang thai hộ trong trường hợp vợ chồng không có con chung, bởi lẽ mang thai hộ là nhằm mục đích nhân đạo, là một nghĩa cử cao đẹp giữa những người phụ nữ với nhau, giống một sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để những người kém may mắn có cơ hội được hưởng niềm vui được làm cha mẹ.

Quy định trên cũng góp phần hạn chế việc nhờ mang thai hộ tràn lan, dù biết rằng mang thai hộ là giải pháp tối ưu cho người phụ nữ không thể mang thai và sinh con nhưng không thể vì thế mà xem thường những ảnh hưởng của việc mang thai đối với sức khỏe của người phụ nữ mang thai hộ. Người mang thai hộ phải được tư vấn y tế, tâm lí, pháp lí trước khi mang thai hộ nhằm giúp cho họ nắm được những thông tin cần thiết để họ hiểu được quy trình của một ca mang thai hộ dưới góc độ y tế hay những hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình để từ đó sẽ có những ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, giúp hạn chế những tranh chấp xảy ra giữa các bên trong quan hệ mang thai hộ.

2.2. Điều kiện của người mang thai hộ:

Tại khoản 3 điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau về điều kiện người mang thai hộ:

“3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.

Pháp luật quy định người được nhờ mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng để đảm bảo không trái với thuần phong mỹ tục của người Việt (mẹ đẻ mang thai hộ con ruột, mẹ chồng mang thai hộ con dâu,…). Pháp luật quy định chặt chẽ như vậy là đúng đắn, phù hợp đồng thời loại bỏ được tính vụ lợi trong quá trình thực hiện việc mang thai hộ. Việc đặt ra điều kiện người mang thai hộ đã từng có thai và sinh con để đảm bảo rằng họ có kinh nghiệm trong việc mang thai. Đồng thời, quy định này cũng nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Việc yêu cầu người phụ nữ đã từng sinh đẻ là điều cần thiết bởi nếu chưa từng mang thai, sinh con, người phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong khi mang thai, thiếu kĩ năng, kinh nghiệm khiến người phụ nữ không biết cách phòng ngừa những biến chứng tác động không tốt đến sức khỏe của thai nhi, từ đó ảnh hưởng tới sự thành công của mang thai hộ.

          Độ tuổi và sức khỏe của người mang thai hộ đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của một ca mang thai hộ. Mang thai hộ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người mang thai hộ mà còn ảnh hưởng tới phôi được cấy vào tử cung của người phụ nữ đó. Vì vậy người phụ nữ phải có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai. Mà đạt được những điều này thì ngoài những quy định khắt khe về y học thì việc yêu cầu khung độ tuổi được phép mang thai hộ là rất cần thiết.

          Mang thai hộ là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, dễ phát sinh tranh chấp nên việc quy định phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng của người mang thai hộ là quy định bắt buộc. Nếu không được sự đồng ý của người chồng hoặc sự đồng ý không được thưc hiện dưới hình thức văn bản sẽ gây nhiều khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp đồng thời dẫn đến mâu thuẫn làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình của người được nhờ mang thai hộ.

Việc được tư vấn về y tế, pháp lí, tâm lí tương tự như người nhờ mang thai hộ, đó là điều hết sức cần thiết. Bởi quan hệ pháp luật mang thai hộ là quan hệ hai chiều mà quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Trong đó các bên đều phải có những kiến thức chuẩn mực về quyền lợi và nghĩa vụ pháp lí của mình để hạn chế tôi đa sự tranh chấp có thể xảy ra sau này.

Để tránh tình trạng nhờ người khác mang thai hộ một cách bừa bãi, việc quy định chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới được phép mang thai hộ là rất cần thiết, giúp hạn chế việc lợi dụng mang thai hộ trong khi chính người phụ nữ vẫn có khả năng làm mẹ, đồng thời đó cũng là một cách để hạn chế việc thương mại hóa mang thai hộ. Điều đáng chú ý là người nhờ mang thai hộ là cặp vợ chồng mà người vợ trong cặp vợ chồng đó không thể tự mình mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.Mang thai hộ là một thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học đã và đang là mối quan tâm của nhiều người trong xã hội. Song để hiện tượng này phát triển đúng hướng, đúng ý nghĩa xã hội, thì pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời, cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất xã hội của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mang lại một nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là một việc làm tốt và có sự kiểm soát nhất định về mặt thực tiễn cũng như luật pháp, việc thực hiện công việc này bảo đảm sẽ có những lợi ích cũng như ý nghĩa nhất định đối với cuộc sống

3.Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

Thỏa thuận mang thai hộ vì mục đich nhân đạo phải thỏa mãn các điều kiện ( Điều 96 luật hôn nhân và gia đình năm 2014):

Lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Việc ủy quyền cho người thứ ba không được công nhận. Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này; Có thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan; quyền, nghĩa vụ về hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ; trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

Công ty Luật Ánh Sáng Việt là đơn vị cung cấp các dịch vụ tư vấn, tố tụng về lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Trân trọng!

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn