skip to Main Content

KHI NÀO ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TẠM GIAM ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI ?

Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn quan trọng mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Biện pháp này giúp ngăn chặn tội phạm và đảm bảo các hoạt động của cơ quan chức năng diễn ra thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng không đúng có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền tự do đi lại của bị can, bị cáo. Đặc biệt, đối với người dưới 18 tuổi, cần phải thận trọng hơn khi áp dụng biện pháp này.

Căn cứ tại Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi trong các trường hợp:

“1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.

Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

4. Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.”

Để hướng dẫn chi tiết hơn quy định nêu trên, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 đã có quy định hướng dẫn tại Điều 12 như sau:

“1. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp… tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.

2. Chỉ áp dụng biện pháp… tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi bị… tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không cần thiết… tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác”.

Như vậy, theo quy định của Điều 419 BLTTHS và Thông tư liên tịch 06/2018, thì biện pháp ngăn chặn, trong đó có Tạm giam đối với người dưới 18 tuổi chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết, là biện pháp được áp dụng cuối cùng khi có căn cứ cho rằng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không đạt được hiệu quả. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam cũng phải ngắn hơn so với thời hạn áp dụng đối với người thành niên (bằng 2/3 thời hạn tạm giam người từ 18 tuổi trở lên). Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng khi đã áp dụng biện pháp tạm giam luôn phải xem xét sự cần thiết của việc tạm giam, có cần thiết tiếp tục áp dụng nữa hay không để hủy bỏ hay thay thế bằng một biện pháp ít nghiêm khắc hơn hoặc không cần thiết áp dụng thêm bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào khác.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn