1. Người mắc bệnh tâm thần có phải không có năng lực trách nhiệm hình sự không?
Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Bệnh tâm thần là một loại bệnh bao gồm nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, theo quy định trên có thể thấy đối với một số trường hợp người thực hiện hành vi mắc bệnh tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Ngược lại nếu người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật hiện hành có quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, người phạm tội được xác định là mất năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn:
– Phải mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần;
– Không có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi;
– Hoặc tuy có khả năng nhận thức hành vi nhưng không có năng lực điều khiển hành vi đó.
Bên cạnh đó, bệnh tâm thần là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm, … Bệnh tâm thần điển hình bao gồm: rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, hành vi gây nghiện và rối loạn ăn uống. Căn cứ vào khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người bị tâm thần mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, theo các quy định trên của pháp luật, người mắc bệnh tâm thần là người mất năng lực hành vi dân sự và mất năng lực trách nhiệm hình sự.
2. Người mắc bệnh tâm thần phạm tội thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, đã đưa ra quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, theo pháp luật hiện hành, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác khiến họ bị mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì người phạm tội đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đã vi phạm.
Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (theo khoản 1 Điều 206). Một người vì mắc bệnh tâm thần nên họ bị mất khả năng điều khiển và người đó bị mất khả năng điều khiển do họ mắc bệnh tâm thần. Bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của họ.
Như vậy, đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác gây mất nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi sẽ được miễn trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện sau:
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.
– Tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự quy định kết luận người phạm tội đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Tuy nhiên, ,theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của Hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi, chứ không phải mất năng lực hành vi. Khi đó, người bị bệnh tâm thần vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh. Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất điều khiển hành vi thì sẽ được xác định theo khoản 2 Điều 49 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nghĩa là, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã lâm vào tình trạng mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị để được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong một vụ án có đối tượng bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, cần phải xem xét toàn diện, thật kĩ lưỡng tất cả các yếu tố tác động đến nhận thức và tâm lý của đối tượng đó khi phạm tội. Để đảm bảo điều tra, xét xử và kết án đúng người, đúng tội, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm phải thu thập các vật chứng, vật phẩm nghi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích của đối tượng; yêu cầu hỏi, lấy lời khai của những người làm chứng xác định sơ bộ về việc nhân thân đối tượng có tiền sử bệnh lý về thần kinh hay bệnh gì không, có biểu hiện sử dụng rượu, bia hay chất kích thích không. Đồng thời, kịp thời phát hiện, đánh giá các biểu hiện bất thường của đối tượng đối tượng, bị can, bị cáo để xem xét đưa đối tượng đi giám định tâm thần nhằm xác định năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng, bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào thông tin của từng vụ việc mà cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Đối với trách nhiệm dân sự, người đại diện hợp pháp của người tâm thần sẽ phải thay người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân và bồi thường thiệt hại cho gia đình của nạn nhân (trong trường hợp nạn nhân đã chết hoặc trong trường hợp người phạm tội gây ra thiệt hại về tài sản cho người nhà của nạn nhân).
3. Trách nhiệm pháp lý mà người mắc bệnh tâm thần phải chịu
Khi có Bản kết luận giám định của Hội đồng y khoa có thẩm quyền về việc người phạm tội là cá nhân đang bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh lý khác khiến cho người phạm tội mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những đối tượng này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.
3.1. Đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ khoản 3 Điều 586 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định như sau:
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.
– Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.
– Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Theo các quy định trên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại sẽ thuộc về người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ của những đối tượng đó sẽ có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
3.2. Mức bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
– Trường hợp 1: Đối tượng bị xâm phạm là tài sản
Căn cứ vào Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại về tài sản bị xâm phạm được xác định gồm các loại thiệt hại sau:
+ Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
+ Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
– Trường hợp 2: Đối tượng bị xâm phạm là sức khỏe
Căn cứ vào khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm các loại thiệt hại sau:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
– Trường hợp 3: Đối tượng bị xâm phạm là tính mạng con người
Căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật dân sự đã đưa ra quy định về xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
4. Cách xử lý khi bị người mắc bệnh tâm thần gây thiệt hại
Theo khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 có đưa ra quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Như vậy, người bị thiệt hại có thể khởi kiện đối với người giám hộ của người bị tâm thần để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường được xác định như sau:
Bước 1: Xác định tòa án có thẩm quyền và gửi đơn khởi kiện đòi bồi thường
Bước 2: Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Bước 3: Kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện.
Bước 4: Sau khi xem xét đơn khởi kiện nếu hợp lệ sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 5: Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.