LỪA ĐẢO NỘP PHẠT GIAO THÔNG QUA ĐIỆN THOẠI?
Câu hỏi:
Chào Luật sư Công ty Luật Ánh Sáng Việt. Hôm trước tôi có nhận được cuộc điện thoại thông báo biên lai phạt nguội chưa thanh toán. Tôi vô cùng hoang mang vì không biết mình bị phạt khi nào và có tin tưởng được nội dung cuộc gọi này không? Mong luật sư tư vấn giúp tôi.
Trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư ASV tư vấn như sau:
Không chỉ riêng trường hợp của bạn, Luật sư ASV đã nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự của độc giả về tình trạng các đối tượng lừa đảo nộp phạt giao thông. Đa số các cuộc gọi lừa đảo này có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:
– Sử dụng các số điện thoại “không chính thức”
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các số điện thoại di động hoặc số máy bàn nhưng những số máy này không phải là số điện thoại chính thức hoặc đường dây nóng của Cảnh sát giao thông. Ví dụ: Các số điện thoại di động cá nhân: +849xxxxxxxx; +843xxxxxxx; … và nhiều số máy lạ khác như các số máy bàn có đầu số +252, +247, +224, các số có mã vùng nước ngoài,…
– Nội dung chung chung, đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin:
“Sở giao thông vận tải thông báo thuê bao … có một biên lai vi phạm giao thông chưa được thanh toán, mời bấm các phím số theo hướng dẫn để kiểm tra”. Sau khi bấm phím theo hướng dẫn, người dân sẽ được gặp một người xưng là Tổng đài viên. Người này thậm chí còn nắm rõ thông tin cá nhân của nạn nhân, sau đó đọc một biên bản vi phạm và yêu cầu nạn nhân nộp tiền phạt vào các số tài khoản ngân hàng của một cá nhân nào đó. Nếu người dân không nộp trước hạn sẽ bị xử lý hình sự.
Nhiều người dân đã cảnh giác và tỉnh táo, truy vấn lại thông tin khiến “tổng đài viên” bối rối và thông báo đây chỉ là sự cố nhầm lẫn. Tuy nhiên có nhiều trường hợp nạn nhân mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo trên. Bởi các đối tượng này biết lợi dụng sự cả tin, nỗi sợ khi nhắc tới cơ quan chức năng của nhiều người để trục lợi. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cá nhân thường được người dân chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội nên dễ bị kẻ gian đánh cắp thông tin là “tư liệu” để thực hiện hành vi lừa đảo của mình.
HÀNH VI LỪA ĐẢO NỘP PHẠT GIAO THÔNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO
Hành vi sử dụng điện thoại lừa đảo nộp phạt giao thông, tuỳ từng mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Cá nhân có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn đế chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 có thể bị xử phạt từ 2,000,000 đồng – 3,000,000 đồng. Nếu là tổ chức, mức phạt sẽ từ 4,000,000 đồng – 6,000,000 đồng.
– Cá nhân có hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác phải đưa tiền hoặc tài sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 bị phạt từ 3,000,000 đồng – 5,000,000 đồng. Nếu là tổ chức, mức phạt sẽ từ 6,000,000 đồng – 10,000,000 đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi lừa đảo gọi điện nộp phạt giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gọi điện lừa đảo nộp phạt giao thông xảy ra nếu tài sản chiếm đoạt được thông qua hành vi lừa đảo trên có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc giá trị tài sản chiếm đoạt được dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đối tượng lừa đảo đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đối tượng đã bị kết án về một trong các tội: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
– Gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản là phạt từ từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10,000,000 đồng – 100,000,000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc bị tịch thu một phần tài sản.
Như vậy, nếu phát hiện hành vi lừa đảo gọi điện qua điện thoại, quý khách hàng cần trình báo với cơ quan công an quận, huyện nơi cư trú và cảnh báo cho người thân, bạn bè tỉnh táo trước những cú điện thoại giả danh cơ quan chức năng.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com