HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
TÌM HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giao kết, các bên do không lưu ý, tìm hiểu kỹ các quy định dẫn tới việc hợp đồng giao kết vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Vậy hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu ra sao?
KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
Theo quy định hiện hành, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực thực quy định pháp luật. Theo quy định tại điều 407 BLDS 2015: “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.
Từ các quy định tại BLDS 2015 có thể thấy, để hợp đồng có hiệu lực thì cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực và hành vi dân sự, phù hợp với giao dịch đang được thỏa thuận, xác lập.
– Các bên hoàn toàn tự nguyện khi tham gia giao kết hợp đồng
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm các điều cấm của Luật, không trái với đạo đức xã hội.
PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
a, Căn cứ vào thủ tục tố tụng:
Tùy vào tính trái pháp luật mà hợp đồng có thể vô hiệu tuyệt đối hoặc vô hiệu tương đối. Hợp đồng sẽ vô hiệu ngay lập tức khi xâm phạm đến lợi ích công. Với lợi ích tư, hợp đồng có thể bị tuyên bố hiệu do:
– Có đơn yêu cầu khởi kiện của một trong các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc của những người có quyền, lợi ích liên quan
– Có quyết định của Tòa.
* Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối
Hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu tuyệt đối khi việc xác lập hợp đồng trái với pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích chung, lợi công cộng. Hợp đồng sẽ bị xem là đương nhiên vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Vô hiệu do giả tạo
– Có các nội dung vi phạm những điều mà pháp luật cấm
– Có nội dung hoặc mục đích trái với các giá trị đạo đức xã hội
– Có hình thức khác với các hình thức quy định của pháp luật, đã được Tòa án cho thời hạn để thay đổi hình thức đúng theo quy định nhưng không thay đổi.
– Hợp đồng vi phạm về hình thức nhưng các bên chưa thực hiện và có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng cũng được xem là vô hiệu tuyệt đối.
Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối sẽ không hạn chế thời hiệu khởi kiện lên tòa án. Việc giải quyết sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, không giải quyết theo yêu cầu của các bên. Đồng thời, hợp đồng vô hiệu tuyệt đối không được hòa giải, không được công nhận giá trị pháp lý khi thụ lý và giải quyết tranh chấp.
* Hợp đồng vô hiệu tương đối
Khác với hợp đồng vô hiệu tuyệt đối, hợp đồng vô hiệu tương đối là các hợp đồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của các bên liên quan. Hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu tương đối khi:
– Được xác lập bởi các chủ thể không có năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi tương ứng với yêu cầu của pháp luật đối với giao dịch theo thỏa thuận trong hợp đồng
– Vô hiệu do bị đe dọa/ do lừa dối/ do nhầm lẫn
– Vô hiệu do người xác lập trong tình trạng không thể nhận thức hoặc không điều khiển được hành vi của mình.
Thời hiệu khởi kiện với hợp đồng vô hiệu tương đối là 02 năm từ ngày hợp đồng được xác lập.
b, Căn cứ vào phạm vi vô hiệu
* Hợp đồng vô hiệu toàn bộ
Đây là loại hợp đồng có toàn bộ nội dung bị tuyên bố là vô hiệu. Một số hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ khi chỉ 1 phần nội dung vô hiệu, nhưng đó lại là phần nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng.
* Hợp đồng vô hiệu từng phần
Khác với hợp đồng vô hiệu toàn phần, hợp đồng vô hiệu từng phần chỉ có 1 phần nội dung vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, hợp đồng vẫn có hiệu lực và các bên vẫn có thể thực hiện theo thỏa thuận với những phần nội dung có hiệu lực.
HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU
– Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh hay thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia kể từ thời điểm giao kết hợp đồng
– Hợp đồng không có giá trị pháp lý từ thời điểm giao kết, dù cho các bên có thực hiện hay chưa.
* Về mặt lợi ích
Khi giao kết hợp đồng nhưng bị tuyên bố vô hiệu, các bên liên quan sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại những thứ đã nhận theo thỏa thuận hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả lại thì cần quy thành tiền, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.
Với các khoản lợi mà các bên thu được từ hợp đồng vô hiệu thì sẽ cần hoàn trả lại. Chủ sở hữu sẽ được nhận lại lợi ích nếu thuộc quyền sở hữu hợp pháp, trừ trường có quy định khác.
* Về quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình
Đôi khi hợp đồng vô hiệu có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3. Tùy vào quyền bị vi phạm mà bên có lợi ích hợp pháp có thể yên cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
– Trường hợp hợp đồng vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản, không phải đăng ký quyền sở hữu, đã được chuyển giao cho bên thứ 3 ngay tình thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực.
– Trường hợp có tài sản giao dịch là bất động sản/ tài sản phải đăng ký nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu mà đã chuyển giao cho bên thứ 3 ngay tình thì giao dịch này sẽ là vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu hợp đồng vô hiệu là gì cũng như các loại hợp đồng vô hiệu thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Vì thế, khi giao kết hợp đồng, các bên cần hết sức lưu ý và tuân thủ các quy định của pháp luật.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com