skip to Main Content

Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong tố tụng dân sự

Căn cứ pháp lí: Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Theo đó, Tại điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

   “1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

  1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.”

Việc quy định như thế này để giúp đảm bảo bất kể một vụ án dân sự nào cũng có thể được xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, giảm thiểu sai xót trong quá trình phúc thẩm xuống mức tối đa, đảm bảo mọi quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự khi tham gia vào trong quá trình tố tụng.

1.Lí do phải đảm bảo chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự

Việc đảm bảo hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự xuất phát từ nhiều lí do khác nhau:

Thứ nhất, xuất phát từ bản chất chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong bộ máy nhà nước, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng chuyên biệt của Nhà nước. Để có thể đảm bảo giải quyết đúng đắn một vụ án dân sự, nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử là Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bằng hoạt động xét xử Tòa án phải bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nguyên tắc hai cấp xét xử chính là cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích của các con người cụ thể đã được pháp luật ghi nhận.

Thứ hai, xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà Tòa án thực hiện. Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, những phán quyết của Tòa án phải giải quyết đúng đắn vụ án. Tuy vậy, không phải bao giờ, việc xét xử của Tòa án một lần đã đúng, đã đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án, nó cần phải được xem xét, kiểm tra lại ở một Tòa án cấp trên. Xét xử hai cấp cũng chính là hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới, nhằm đảm bảo tính khách quan nhất cho một phán quyết nhân danh công lý của Tòa án.

Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nguyên tắc hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự dựa trên thực tế giải quyết các vụ việc của Tòa án, đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án được đúng lẽ phải, mọi phán quyết của Tòa án trước khi có hiệu lực phải được xem xét một cách thận trọng. Thế nhưng, Tòa án khi xét xử cũng không phải bao giờ xét xử một lần cũng đúng, một lần cũng đã làm thỏa mãn các đương sự. Vì vậy phải có hai cấp xét xử. Nguyên tắc hai cấp xét xử để đảm bảo cho đương sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của hoạt động xét xử Việc xét xử qua hai cấp: cấp thứ nhất là cấp sơ thẩm và cấp thứ hai là cấp phúc thẩm do Tòa án cấp trên của Tòa án sơ thẩm thực hiện. Dù là hai cấp xét xử, cấp sơ thẩm thực hiện chức năng là cấp xét xử thứ nhất có vai trò quyết định trong việc chấm dứt giải quyết các tranh chấp. Tòa án cấp phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai đảm bảo cho việc giải quyết vụ án luôn đúng đắn. Mục đích của xét xử hai cấp là nhằm hướng tới đảm bảo sự thật khách quan của vụ án và các quyền, lợi ích của đương sự được bảo vệ.

Thứ năm, xuất phát chức năng, nhiệm vụ của Tòa án Nguyên tắc hai cấp xét xử là cơ sở thực hiện đúng được chức năng, nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân. Khi các bên tranh chấp, khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Vụ án nhân dân được giải quyết lần đầu tại phiên tòa sơ thẩm, đây là cấp xét xử đầu tiên. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có thể không đúng, không làm hài lòng các đương sự, Viện kiểm sát dẫn đến kháng cáo hoặc kháng nghị của người có thẩm quyền. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì Tòa án phải xét xử lần hai tại cấp phúc thẩm.

Thứ sáu, xuất phát từ thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án Trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự, không ít các Thẩm phán công tâm có trình độ pháp luật, song khi xét xử vụ án dân sự, không phải bao giờ cũng đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án. Thực tế đó một phần cho thấy sự phức tạp của những quan hệ pháp luật dân sự trong xã hội, chính vì thế, trong lĩnh vực tố tụng dân sự đã có những kỉ lục về những vụ án kéo dài hàng chục năm, hàng chục phiên tòa cho một vụ án. Những thực tế của hoạt động xét xử cho thấy, hai cấp xét xử là cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các vụ án cần xét xử theo hai cấp mới đảm bảo việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Ý nghĩa của việc quy định đảm bảo hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trong tố tụng dân sự

Nguyên tắc hai cấp xét xử đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án được chính xác, đúng đắn. Việc quy định nguyên tắc là cơ sở pháp lý cho các đương sự là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, giúp kịp thời sửa chữa sai lầm hoặc vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm mắc phải, nhờ đó mà chất lượng xét xử tại các cấp xét xử được nâng cao. Một vụ án dân sự có thể được xét xử ở hai cấp cũng như quy định về việc bản án, quyết định sơ thẩm có thể bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy sẽ kịp thời sửa chữa được những sai lầm hoặc các vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm đã mắc phải, góp phần nâng cao trách nhiệm của hội đồng xét xử sơ thẩm, giúp họ có thái độ thận trọng và có trách nhiệm hơn trước khi đưa ra phán quyết của mình.

Hơn nữa, Việc quy định một vụ án dân sự có thể được xét xử ở hai cấp xét xử khác nhau là phù hợp quy luật của nhận thức nhằm đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử. Quy định nguyên tắc hai cấp xét xử thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra phán xét quyết định về tài sản và nhân thân, về số phận pháp lý, quyền lợi và tài sản, danh dự của đương sự. Việc xét xử phải nhằm đến mục đích cao nhất là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, đưa ra các phán quyết chấm dứt các tranh chấp dân sự. Do vậy sẽ là không công bằng nếu như tước bỏ quyền được bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án một lần nữa tại một phiên tòa xét xử khác, nếu như chưa thể có các điều kiện khẳng định hay bảo đảm rằng, phán quyết của lần xét xử đầu tiên là hoàn toàn chính xác.

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Sáng Việt về bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong tố tụng dân sự. Luật Ánh Sáng Việt cung cấp các dịch vụ pháp lý và luật sư tranh tụng, quý khách hàng cần tư vấn vui lòng liên hệ qua đường dây nóng của ASV LAW.

Trân trọng!

 

 

 

 

 

 

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn