Phải làm gì khi bị người khác mạo danh đi lừa đảo tài sản?
Việc mạo danh, giả danh cá nhân, tổ chức để lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật. Phải làm gì khi bị người khác mạo danh đi lừa đảo tài sản? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên.
1. Hiểu thế nào là hành vi mạo danh người khác?
Mạo danh người khác hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Thực tế, có thể hiểu mạo danh người khác chính là hành vi của một đối tượng sử dụng thông tin, danh nghĩa của cá nhân hoặc tổ chức khác để làm những việc có lợi cho mình hoặc để thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản người khác, thậm chí là để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà đối tượng mạo danh người khác sẽ bị xử phạt theo chế tài của pháp luật.
Theo Chỉ thị 21/2020/CT-TTg ngày 25-5-2020 của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc hành vi mạo danh người khác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình hoạt động, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Một số trường hợp mạo danh phổ biến hiện nay như:
– Mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Mạo danh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
– Mạo danh chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác của người khác.
2. Phải làm gì khi bị người khác mạo danh đi lừa đảo tài sản?
Theo quy định, quyền hình ảnh của cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế không ít các hành vi lợi dụng việc sử dụng hình ảnh của người khác để lừa đảo.
Trường hợp cá nhân, tổ chức biết được thông tin của mình bị mạo danh, bị lấy danh nghĩa của mình ra để đi lừa đảo, chiếm đoạt tiền hay vu khống nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một đối tượng cá nhân khác mà mình không quen biết thì hết sức bình tĩnh và phải làm đơn trình báo ngay đến cơ quan chức năng gần nhất để được giải quyết nhanh đảm bảo quyền lợi về hình ảnh, uy tín của chính mình.
Theo đó, có thể nộp đơn tố giác trực tiếp hoặc thông qua điện thoại đến cơ quan Công an.
– Nộp đơn tố giác trực tiếp:
Cho cơ quan Công an cấp xã nơi cư trú hoặc nếu biết cụ thể người sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo ở đâu thì có thể gửi trực tiếp đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cấp xã nơi người này đang cư trú để cơ quan này tiếp nhận hồ sơ, xác minh sơ bộ và chuyển cho cơ quan điều tra;
Cho cơ quan Công an cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết kịp thời;
– Thông báo qua đường dây nóng của cơ quan Công an: Nạn nhân có thể gửi trực tiếp đến đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an TP. Hà Nội hoặc đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao số điện thoại 069.219.4053.
Ngoài ra, có thể báo tin tội phạm đến đường dây nóng của cơ quan Công an các huyện thuộc tỉnh, thành phố trên cả nước. Để tra cứu số điện thoại đường dây nóng, độc giả có thể truy cập vào trực tiếp website của Công an tỉnh các địa phương đó.
Lưu ý hồ sơ nộp phải gồm có đơn tố cáo hành vi người khác mạo danh mình lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tài liệu, chứng cứ chứng minh sự vụ trên; và giấy tờ tùy thân (gồm căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân) của mình.
3. Hành vi mạo danh người khác bị xử lý như thế nào?
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi mạo danh người khác với mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản: sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ngoài bị xử phạt tiền như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như sau:
– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Nếu đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là người nước ngoài thì còn bị trục xuất.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định chế tài xử lý đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Thứ nhất, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng hành vi gian dối, giá trị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
– Cá nhân có hành vi gian đối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà dưới 2 triệu đồng, tuy nhiên thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn vi phạm.
+ Trước đó đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội bao gồm tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) mà còn vi phạm.
+ Thực hiện hành vi và có gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự hay an toàn xã hội.
+ Thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hay gia đình họ.
Thứ hai, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Thực hiện chiếm đoạt tài sản có tổ chức.
– Tính chất chuyên nghiệp khi thực hiện hành vi.
– Giá trị tài sản chiếm đoạt từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
– Tái phạm nguy hiểm.
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản.
Thứ tư, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, ngoài mức phạt tù như trên thì người thực hiện hành vi phạm tội còn bị phạt tiền mức từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Hay cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định trên, hành vi mạo danh người khác đi lừa đảo tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức xử lý trách nhiệm hình sự thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com