KÉO DÀI THỜI HẠN, TỪ CHỐI THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TRONG TRƯỜNG HỢP BẤT KHẢ KHÁNG
1. Sự kiện bất khả kháng là gì?
Tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 2015, định nghĩa sự kiện bất khả kháng cũng được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật khác nhau. Một số văn bản pháp luật đưa ra ví dụ các trường hợp cụ thể được coi là bất khả kháng, bao gồm các sự kiện tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, lũ lụt, sóng thần, bệnh dịch hay động đất hoặc các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa và bất kỳ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng nào. Các quy định này về cơ bản phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Sự kiện bất khả kháng, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, gồm có ba dấu hiệu sau đây:
- Khách quan: Sự kiện này có thể là do thiên nhiên gây ra như: thiên tai, dịch bệnh,… Những cũng có thể do con người gây ra như hành động của một người thứ ba.
- Không thể lường trước được: Khi giao kết hợp đồng các bên có thể không lường trước được sự kiện này sẽ xảy ra vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Trong trường hợp có mưa lũ, mặc dù có dự báo thời tiết, truyền thông đại chúng nhưng do chủ quan thì đây không thể xem là điều kiện này.
- Không thể giải quyết, khắc phục được: Mọi dù đã áp dụng mọi khả năng và biện pháp cần thiết.
Quy định này được áp dụng cho trường hợp cần chứng minh sự kiện bất khả kháng là căn cư để bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ được miễn trách nhiệm dân sự, bao gồm cả trách nhiệm trong quan hệ hợp đồng thương mại.
+ Dấu hiệu thứ nhất, sự kiện bất khả kháng là sự kiện khách quan, do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con người gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ, bên chịu tác động của sự kiện bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên vi phạm nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự kiện bất khả kháng có thể là sóng thần, động đất, thiên tai, chiến tranh, đình công, bạo loạn hay các thảm họa khác.
+ Dấu hiệu thứ hai, sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng kiểm soát, không lường trước được của các bên/các bên vi phạm nghĩa vụ. Các bên trong hợp đồng, hoặc ít nhất bên vi phạm không thể nhìn thấy trước hay dự kiến trước; không biết, không thể biết hoặc không buộc phải biết sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra và do đó, không thể kiểm soát hay ngăn chặn việc xảy ra sự kiện bất khả kháng. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Dấu hiệu thứ ba, bên vi phạm nghĩa vụ không thể giải quyết, khắc phục được sự kiện bất khả kháng và/hoặc hậu quả của nó đã thực hiện mọi giải pháp. Để đáp ứng dấu hiệu này, bên vi phạm cần nỗ lực hết sức để khắc phục sự kiện bất khả kháng hoặc ít nhất là tác động tới hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất mà sự kiện bất khả kháng đem lại. Dấu hiệu này rất quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc xác định sự kiện đã xảy ra có phải là bất khả kháng đối với bên chịu tác động hay không, bởi lẽ khi một sự kiện xảy ra, dù đã đáp ứng đủ hai dấu hiệu trên đây nhưng bên vi phạm nghĩa vụ đã có thể tránh được, khắc phục được và/hoặc tác động vào hậu quả mà sự kiện gây ra bằng những biện pháp tích cực và cần thiết, kịp thời với khả năng thực hiện của mình mà đã không làm thì vẫn phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ.
2. Hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng
Hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất ngờ khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Có thể thấy, ngoại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định rõ những loại trách nhiệm nào mà bên vi phạm không phải chịu. Trong khi đó, Luật Thương Mại năm 2005 quy định rộng hơn về vấn đề này và miễn trách nhiệm của bên vi phạm đối với hầu hết các biện pháp khắc phục, bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Dựa trên các quy định của pháp luật về hợp đồng và thông lệ thị trường, trong trường hợp vi phạm hợp đồng, bên vi phạm có thể áp dụng nhiều biện pháp khắc phục liên quan đến trách nhiệm tài chính và không liên quan đến trách nhiệm tài chính.
Các biện pháp khắc phục liên quan đến trách nhiệm tài chính bao gồm:
- Bồi thường thiệt hại
- Phạt vi phạm
- Lãi chậm trả
- Tiền thanh toán trước
- Yêu cầu mọi khoản thanh toán chưa đến hạn phải đến hạn và thanh toán
- Bù trừ nghĩa vụ
- Yêu cầu thanh toán đối với các khoản thanh toán khác.
Biện pháp khắc phục không liên quan đến trách nhiệm tài chính bao gồm:
- Buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
- Hủy bỏ hợp đồng
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng
Do Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 liệt kê cụ thể một số biện pháp khắc phục được miễn không áp dụng khi có sự kiện bất khả kháng như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng, vậy nên có cơ sở pháp lý rõ ràng để miễn không áp dụng các biện pháp khắc phục này. Tuy nhiên, việc miến không áp dụng các biện pháp khắc phục không được liệt kê cụ thể tại Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 lại kém rõ ràng hơn. Theo chúng tôi, có lẽ nên hiểu là nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng, về lý thuyết, các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với tất cả các biện pháp khắc phục được quy định trong pháp luật về hợp đồng. Do vậy, nếu các bên muốn miễn trừ trách nhiệm đối với các biện pháp khắc phục khác (ngoài các biện pháp được liệt kê cụ thể tại bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005), các bên cần quy định cụ thể về vấn đề này trong hợp đồng.
3. Quy định kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng?
3.1 Thời hạn kéo dài hợp đồng thương mại khi có sự kiện bất khả kháng
Tại khoản 1 và khoản 4 Điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định về việc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng như sau:
“Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
- a) Năm tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
- b) Tám tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.”
Như vậy kho có sự kiện bất khả kháng xảy ra thì cả hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thương mại này, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn được kéo dài. Khi này thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ được tính thêm với một khoảng thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại 2005.
* Lưu ý: Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
3.2 Bồi thường (từ chối nghĩa vụ) khi có sự kiện bất khả kháng xảy
Câu trả lời sẽ là không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.
Căn cứ pháp lý được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 296 Luật Thương mại 2005, cụ thể tại điều này đã nêu rõ nội dung về từ chối thực hiện hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng như sau: “Trường hợp kéo dài quá các thời hạn được phép kéo dài khoản 1 Điều này đã nêu trên, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại”.
Như vậy Doanh nghiệp sau khi được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng do sự kiện bất khả kháng nhưng vẫn không thể thực hiện được nghĩa cụ hợp đồng thì khi quá thời hạn được kéo dài đó có thể từ chối thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thức thời hạn kéo dài hợp đồng thì bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
3.3 Dịch bệnh (dịch Covid-19) có phải là “Sự kiện bất khả kháng” hay không?
Hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có văn bản nào quy định “dịch bệnh” là cơ sở cho phép một bên hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc được miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng thương mại. Chính vì thế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được công bố là dịch bệnh tại Việt Nam song cũng cần phải căn cứ vào các yếu tố khác nhau để xem xét nó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không?
Trường hợp 1: Nếu hợp đồng ghi nhận thỏa thuận “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng
Hợp đồng được hình thành dựa trên sự thỏa thuận và thống nhất từ hai phía, và những thỏa thuận đấy không được trái với những gì pháp luật quy định. Chính vì thể, hai bên có nghĩa vụ phải tuân thủ theo thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định của pháp luật cụ thể là Luật Thương mại 2005 về miễn trù trách nhiệm đối với sự kiện bất khả kháng (kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng).
Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa hai bên thì thường các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thường ưu tiên áp dụng các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Chính vì lẽ đó, nên nếu trong hợp đồng có ghi nhận thỏa thuận “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng thì có thể xem đó là căn cứ để công nhận miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng xảy ra.
Trường hợp 2: Nếu hợp đồng không có thỏa thuận “dịch bệnh” là sự kiện bất khả kháng
Viện dẫn căn cứ pháp lý quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 không liệt kê cụ thể các sự kiện bất khả kháng, mà vấn đề này thường được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Thực tế hiện nay, trong các hợp đồng về nội dung, điều khoản đã được các bên bổ sung chi tiết liệt kê các sự kiện bất khả kháng. Trong điều khoản về bất khả kháng tại hầu hết các hợp đồng hiện nay, cụm từ “dịch bệnh” thường được liệt kê là một trong các sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, trong quan hệ hợp đồng, việc xác định yếu tố dịch bệnh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không để xem xét miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các bên chưa bao giờ là dễ dàng và thường dẫn đến những tranh chấp. Chính vì vậy, để có thể xác định chính xác “dịch bệnh” có phải là sự kiện bất khả kháng hay không thì ta cần xem xét 03 yếu tố về mặt khách quan, về vấn đề không thể lường trước được và không thể khắc phục.
Cụ thể hơn trong trường hợp này muốn chứng minh được dịch bệnh là một sự kiện bất khả kháng để làm căn cứ xem xét miễn trừ trách nhiệm hợp đồng khi thỏa mãn các điều kiện, liệu sự kiện đó dây ra ảnh hưởng hoặc cản trở trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng của các bên, khiến cho một hoặc các bên vi phạm hợp đồng hoặc không thể thực hiện được hợp đồng. Hoặc các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được của sự kiện bất khả kháng đó.
Thực tế cho thấy, trong đợt dịch Covid 19 dưới tác động nặng nề của dịch bệnh này lên nền kinh tế toàn cầu và chính Việt Nam cũng là một đất nước chịu ảnh hưởng không kém thì Chính phủ đã ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật buộc tạm dừng các hoạt động sản xuất,… và thực hiện theo các Chỉ thị có thể kể đến như Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/202 và số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong quốc gia mà ngay cả giữa các nước với nhau cũng đã ban hành các bệnh cấm cửa khẩu và xuất khẩu,… hoặc các biện pháp phòng chống dịch khác. Có thể thấy, không một doanh nghiệp nào muốn mình dơi vào hoàn cảnh hoãn hết tất cả các hoạt động mà chính bởi tình thế cấp thiết trong hoàn cảnh đó đấy chính là lựa chọn tốt nhất, mặc dù đã tìm rất nhiều các biện pháp khắc phục khác.
Qua những phân tích trên, có thể thấy đây chính là những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp, không thể đưa ra lời khẳng định trong mọi tình huống dịch Covid-19 được xem xét là sự kiện bất khả kháng để có thể căn cứ vào đó miến trách nhiệm bồi thường thiệt hại hợp đồng được. Tùy vào từng trường hợp, tình huống cụ thể, cần phải xem xét kỹ lưỡng thì mới có thể đưa ra kết luận căn cứ chính xác.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com