skip to Main Content

Vụ trộm cắp tại công ty Samsung: “Hạ màn” sự thật qua lời khai nhân chứng

VỤ TRỘM CẮP TẠI CÔNG TY SAMSUNG: “HẠ MÀN” SỰ THẬT QUA LỜI KHAI NHÂN CHỨNG

(ĐS&PL) Tại công đường, người làm chứng phản cung, luật sư chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng… khiến phiên tòa như một vở hài kịch.

Vụ án “đầu chuột, đuôi voi”

Sáng ngày 14/5/2019, TAND Tỉnh Bắc Ninh xét xử vụ án trộm cắp tài sản tại công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (công ty Samsung).

Trước đó, bản báo đã có nhiều bài viết về quá trình xét xử vụ trộm cắp tại công ty Samsung với các tiêu đề: Có dấu hiệu “nhảy múa” trên hồ sơ; Nhiều lời khai bất nhất, chứng cứ buộc tội yếu?; Trả hồ sơ vụ trộm cắp tại công ty Samsung Display; Nhiều dấu hiệu bất thường trong hồ sơ vụ án?

toàn cảnh phiên tòaToàn cảnh phiên tòa

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh, nội dung vụ án như sau: Tháng 6/2015, Nguyễn Văn Ký (SN 1988, HKTT: Xã Long Châu, Yên Phong, Bắc Ninh) trao đổi với Nguyễn Văn Quyết việc lôi kéo công nhân công ty Samsung trộm cắp tài sản.

Quyết liên hệ với Hoàng Trung Kiên, Vũ Văn Kiên và Phạm Văn Chung (đều là công nhân công ty Samsung) để trộm cắp màn hình điện thoại. Ký thỏa thuận với Nguyễn Văn Bài (SN 1993, HKTT: xã Long Châu, Yên Phong, Bắc Ninh) vào công ty Samsung xách hàng trộm cắp ra ngoài đưa cho Ký tiêu thụ.

Ngày 3/7/2015, ba công nhân nói trên đã trộm cắp được 410 chiếc màn hình điện thoại uốn cong Samsung Galaxy S6 Adge, trị giá 760.984.600 đồng, giấu trên tầng 2 xưởng sản xuất.

Chiều tối ngày 7/7/2015, Ký bảo Quyết lấy thẻ ra vào công ty của Hoàng Văn Kiên đưa cho mình.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, tại nhà mình, Ký đưa cho Đặng Văn Tài 1 chiếc điện thoại Nokia 1280, nhờ Tài đưa cho Bài và dặn gọi vào số có sẵn trong máy. Ký đưa cho Bài chiếc thẻ ra vào của Hoàng Văn Kiên, để Bài vào công ty xách số màn hình trộm cắp ra ngoài cho Ký.

người bị hại

Anh Đặng Văn Tài

Bài vào công ty Samsung gặp Vũ Văn Kiên và xách đồ trộm cắp ra ngoài thì bị phát hiện.

VKSND tỉnh Bắc Ninh truy tố Nguyễn Văn Ký và Nguyễn Văn Bài ra TAND tỉnh Bắc Ninh về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 4 điều 173 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, TAND tỉnh Bắc Ninh đã xét xử hành vi trộm cắp tài sản của Quyết, Chung và hai Kiên.

Nhân chứng “hạ màn” sự thật

Sau nhiều lần vắng mặt, cuối cùng người làm chứng Đặng Văn Tài cũng có mặt tại Tòa. Và điều bất ngờ đã xảy ra.

 

Anh Tài phản cung, khẳng định đêm ngày 7/7/2015, anh không có mặt tại nhà Ký, không đưa điện thoại cho Bài như cáo trạng truy tố.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nghiêm Thị Lượng truy vấn: “Anh giải thích tại sao tại cơ quan điều tra, anh khai đưa điện thoại cho Bài?”

Anh Tài đáp chắc như đinh đóng cột: “Tôi khai nhầm về thời gian. Trước ngày 7/7/2015 khá lâu, nhà anh Ký bán điện thoại và anh nhờ tôi trông hộ cửa hàng. Bài đến mua điện thoại và tôi đã đưa cho Bài một chiếc điện thoại đen trắng”.

Mặc dù vị đại diện VKS giữ quyền công tố đọc rất nhiều lời khai trước đó của Tài và nói sẽ xử lý Tài nếu khai không đúng sự thật, nhưng nhân chứng Tài vẫn thủy chung với lời khai trước HĐXX và cho rằng đây mới là lời khai đúng nhất của mình.

Có thể nói, lời khai của nhân chứng Tài như gáo nước lạnh dội vào đầu vị đại diện VKS giữ quyền công tố.

Còn đối với luật sư Tạ Văn Phú- Giám đốc công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn Luật sư TP Hà)- người bào chữa cho bị cáo Đặng Văn Ký, thì đây là sự thật hiển nhiên.

Bởi lẽ, tại phiên tòa ngày 8/10/2018, luật sư Phú đã chỉ ra nghi vấn (Tài bị đánh tại cơ quan điều tra).  

 Theo đó, quá trình điều tra, anh Tài có nhiều lời khai và đối chất với Bài đều khẳng định: Không có việc Tài đưa điện thoại cho Bài tại nhà Ký như Bài khai.

tư vấn luật hình sự

Bị cáo Nguyễn Văn Bài

Sau đó, Tài bị Công an TP Bắc Ninh bắt về hành vi đánh bạc. Và Tài đã thay đổi lời khai, xác nhận “tại nhà Ký, Ký nhờ Tài đưa cho Bài một chiếc điện thoại Nokia 1280”.

HĐXX và đại diện VKS nhiều lần hỏi về vấn đề này, người làm chứng Đặng Văn Tài vẫn khẳng định đêm 7/7/2015 không có mặt tại nhà Ký. Sở dĩ Tài nhớ rõ chi tiết này là vì vào thời điểm đó, Tài không còn thuê trọ ở gần khu vực nhà Ký.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Ký một mực kêu oan. Tại tòa, bị án Vũ Văn Kiên cũng khẳng định: “Bị án chỉ bàn bạc kế hoạch trộm cắp với Quyết và hai anh Kiên. Bị án không biết Ký là ai”.

Trong phần bào chữa của mình, luật sư Tạ Văn Phú đã “chỉ tận tay, day tận trán” những dấu hiệu “buộc án, gán tội”, “nhảy múa” trên hồ sơ trong vụ án này.

Xin tóm lược: Căn cứ vào bản xác nhận của công ty Samsung cho thấy, Hoàng Văn Kiên xác nhận mất thẻ của mình là ngày 04/6/2015. Đây là chứng cứ khách quan và trung thực. Điều này chứng minh sự sai lệch hoàn toàn với lời khai về ngày gặp mà Quyết và Hoàng Văn Kiên khai (đầu tháng 7/2015). Cả Quyết và Hoàng Văn Kiên đều khẳng định, sau khi đi gặp anh của Quyết bàn chuyện trộm cắp về, thì sự kiện khiến Quyết nhớ là ngày Kiên bị mất thẻ ra vào. Như vậy cho thấy một sự bịa đặt về ngày gặp Ký.

Hơn nữa, Hoàng Văn Kiên không nhận dạng được Ký ngay từ lần đầu nhận dạng (hình ảnh của Ký khi sử dụng để nhận dạng rất rõ ràng và nhất là lúc đó vụ án mới xảy ra). Trong  nhiều lần nhận dạng toàn thân, nhận dạng trực tiếp sau đó và tại phiên tòa ngày 08/10/2018, Hoàng Văn Kiên thừa nhận, Ký có nhiều đặc điểm giống chứ không chắc chắn đó là người đã bàn việc trộm cắp.

Từ đó, luật sư Phú nhận định: “Không có việc Ký tham gia bàn bạc trộm cắp với Quyết và Hoàng Văn Kiên”.

Ngoài ra, luật sư Tạ Văn Phú còn chỉ ra dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng như trong hai lần cho Hoàng Văn Kiên tiến hành nhận dạng toàn thân đối với Nguyễn Văn Ký đều không có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Ký.

Luật sư Phú đặt nghi vấn tại Tòa: “Việc cho nhận dạng nhiều lần 3 lần rõ rằng nhằm mục đích tạo cho Hoàng Văn Kiên cảm giác quen mắt về Ký. Trước khi nhận dạng, cán bộ điều tra dùng điện thoại chụp ảnh Ký và gửi đi cho ai đó. Việc nhận dạng là nhận dạng trực tiếp, không phải qua ảnh thì chụp ảnh để làm gì? Và việc nhận dạng lần thứ nhất đúng luật rồi, thì còn tiến hành nhận dạng lần 2, lần 3 làm gì nữa?”.

 luật sư

Luật sư Tạ Văn Phú

Hay như việc Quyết khai đưa Hoàng Văn Kiên đến gặp Ký tại quán cà phê Avatar để bàn việc trộm cắp. Thế nhưng, Hoàng Văn Kiên khai trước công đường rằng mình đến quán Avatar gặp 2 người tên Quảng và Cò, chứ không phải tên là Ký.

Luật sư Phú còn chỉ ra dấu hiệu bất thường trong lời khai của anh Trần Quang Trung (người giam cùng phòng với Ký). Trung khai được Ký kể và thừa nhận việc Ký chủ mưu chỉ đạo việc trộm cắp. Trung kể, ngày Bài lấy trộm hàng ở công ty Samsung bị bắt quả tang, Ký đã chủ động đi lễ chùa cùng vợ, không trực tiếp vào công ty Samsung.

“Vụ án diễn biến xảy ra vào đêm ngày 7/7/2015 và rạng sáng ngày 8/7/2015, theo như lời khai của Bài, đêm ngày 7/7/2015, Bài còn đến nhà gặp Ký để lấy điện thoại và sau khi bị bắt quả tang Bài chạy về đưa thẻ ra vào cho Ký. Như vậy, Ký đâu có đi chùa. Giả thiết Ký và vợ đi chùa xa, vắng mặt nhằm tránh việc trộm cắp thì làm gì có ở nhà mà gặp Bài vào đêm hôm 7/7 và sáng sớm ngày 8/7 hôm sau. Đây rõ ràng là một sự bịa đặt”. Luật sư Tạ Văn Phú nhấn mạnh.

HĐXX cũng đã thu thập chứng cứ liên quan đến lời khai của nhân chứng Trung và khẳng định, trong quá trình bị giam, gia đình Ký nhiều lần thăm nuôi, gửi quà, quần áo và lưu ký tiền (13 triệu đồng) cho Ký… Không như lời Trung nói.Trong khi đó, phía VKS lại cho rằng, lời khai của anh Trung là rất “khách quan”.

HĐXX yêu cầu vị đại diện VKS giải thích vì sao hồ sơ không thể hiện việc Hoàng Văn Kiên được điều tra viên cho đi nhận dạng Ký đến 3 lần.

VKS nói loanh quanh một hồi, nhưng không giải đáp thỏa mãn câu hỏi của HĐXX.

Tại phiên tòa ngày 8/10/2018, bị án Hoàng Văn Kiên khai rằng, khi nhận dạng Ký đã được cơ quan điều tra cho xem video của Nguyễn Văn Quyết nói với Kiên là khai theo Quyết để nhận dạng…?!

Nghe bị án này nói, nhiều người tham dự phiên tòa đã bật cười. Bởi trong hồ sơ vụ án thể hiện, trước đó, Hoàng Văn Kiên không nhận dạng được ra Ký và khẳng định không biết Ký là ai.

Bị cáo Ký cũng cho biết, trên đường đi đến địa điểm nhận dạng, điều tra viên đã chụp ảnh bị cáo bằng điện thoại di động. Hơn nữa, luật sư bào chữa cho bị cáo Ký bận tham gia một phiên tòa khác nên đề nghị xin lùi ngày thực hiện nhận dạng, nhưng không được chấp nhận.

Ngoài ra, luật sư Phú đã chỉ ra việc VKSND tỉnh Bắc Ninh đã trả hồ sơ 3 lần (quá số lần pháp luật cho phép) để tạo điều kiện cho cơ quan CSĐT củng cố chứng cứ buộc tội.

HĐXX nghị án dài ngày và dự kiến tuyên án vào sáng ngày 17/5/2019. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về vụ án này đến bạn đọc.

Theo Đời sống & Pháp luật

Công ty Luật Ánh Sáng Việt.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn