skip to Main Content

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ

1. Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ

Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: 

“Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. 

Khái niệm trên không định nghĩa thế nào là “nguồn nguy hiểm cao độ” mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Tuy nhiên, để xác định nguồn nguy hiểm cao độ thì cần căn cứ  vào các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 

2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại 

Việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm hiểm cao độ gây ra phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường; 
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; 
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

*Phải có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, nguồn nguy hiểm cao độ là những phương tiện, máy móc, thiết bị nên khi gây thiệt hại thì chủ yếu là thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng chứ không gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm.

Ngoài ra, do đây là nguồn nguy hiểm “cao độ” nên có thể gây ra thiệt hại cho bất cứ ai, kể cả chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng, quản lý, thậm chí là những người không có liên quan đến những nguồn nguy hiểm cao độ này. Vì vậy, pháp luật đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ khi chúng gây thiệt hại cho những người xung quanh, bất kể những người này không có quan hệ với nguồn nguy hiểm cao độ đó.

*Thiệt hại phải do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Vì đối tượng được xác định ở đây là nguồn nguy hiểm cao độ nên cần phải làm rõ vấn đề: Thiệt hại xảy ra có phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không?.

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ đối với các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp thì phải đang trong trạng thái hoạt động. Nếu những đối tượng này đang ở trạng thái không hoạt động thì không thể xem là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 

Vậy, khi các nguồn nguy hiểm cao độ được liệt kê tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 đang hoạt động mà gây thiệt hại thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường.

4. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.

* Trách nhiệm của chủ sở hữu

 Chủ sở hữu là người thực hiện các quyền năng đối với tài sản, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Theo lẽ công bằng, khi tài sản mang lại lợi ích, chủ sở hữu được hưởng, thì khi tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ xuất phát từ việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích mà tài sản mang lại, bất kể trong việc quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi.

Chủ sở hữu có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng tài sản, như:

  • Trường hợp, chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng để phục vụ cho lợi ích của chính mình, ví dụ: công ty chịu trách nhiệm bồi thường do xe ô tô mà nhân viên của công ty điều khiển gây ra thiệt hại; chủ sở hữu cho người khác thuê, cho mượn nhưng có thỏa thuận với người về việc chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại; chủ sở hữu có lỗi để cho nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật; 
  • Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra;
  • Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm BTTH.

* Trách nhiệm của người được giao chiếm hữu, sử dụng

Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể là người được giao thông qua một giao dịch dân sự hoặc có thể thông qua một quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyết định của người sử dụng lao động…

Tại điểm đ tiểu mục 2 mục III Nghị quyết số 03/2006 hướng dẫn người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là người được giao thông qua một giao dịch, theo đó, chỉ những người được giao thông qua giao dịch như người thuê, người mượn… mới phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi trong việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. 

Tuy nhiên, người được chuyển giao, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có phải chịu trách nhiệm bồi thường thường thiệt thiệt hại hay không, bồi thường với mức độ nào thì còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa họ và chủ sở hữu. Nếu các bên không có thỏa thuận gì khác thì người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại trong thời gian mình chiếm hữu, sử dụng.

*Trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không thông qua việc được chuyển giao và không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. 

Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và cơ sở xác định trách nhiệm của họ luôn xuất phát từ sự vi phạm. Ngay cả khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại mà họ quản lý nghiêm ngặt thì họ vẫn bị coi là vi phạm, bởi vì sự vi phạm này xảy ra ngay khi họ chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ của người khác. Chính việc chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật của họ sẽ làm tăng thêm khả năng nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây ra thiệt hại cho con người và môi trường xung quanh, bởi bản thân họ có thể không nắm được tình trạng của tài sản và cũng không được sự chỉ dẫn của chủ sở hữu nên khó có thể đề phòng khả năng gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn