skip to Main Content

TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN HOẶC MUA CHIẾM ĐOẠT TIỀN CHẤT DÙNG VÀO VIỆC SẢN XUẤT TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

I. Quy định pháp luật về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

1.Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;

c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa Cơ quan, tổ chức;

đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;

e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililit;

g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;

b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililit đến dưới 1.800 mililít.

4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;

b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.

5.Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

II. Cấu thành tội phạm

2.1. Khách thể của tội phạm

Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là các chất có trong tự nhiên hoặc tổng hợp mà từ các chất này sẽ bào chế được một trong các chất ma túy. Theo 3 công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy quy định gồm 22 tiền chất cần kiểm soát.

Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ, dịch chuyển, mua bán, trao đổi trái phép tiền chất với mục đích dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc chiếm đoạt bằng mọi thủ đoạn trong khi tiền chất đang trong sự chiếm hữu của người khác với mục đích các hành vi này có được tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy. Tội phạm xâm phạm chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về các chất ma túy cũng như các tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy bao gồm các hành vi cụ thể sau:

– Tàng trữ tiền chất là cất giấu bất hợp pháp các chất này. Địa điểm cất giữ ở bất kỳ nơi nào như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong va li, cho vào thùng xăng xe… Thời gian tàng trữ là bất kỳ khoảng thời gian nào có thể 1 giờ, 2 giờ, vài ngày, vài tháng hoặc hàng năm. Địa điểm và thời gian tàng trữ tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy không có ý nghĩa trong việc định tội danh.

– Vận chuyển tiền chất thể hiện hành vi đưa tiền chất từ địa điểm này đến địa điểm khác trái với quy định của Nhà nước. Vận chuyển có thể bằng các phương tiện khác nhau, bằng các tuyến đường khác nhau như: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện. Có thể để trong người (như cho vào túi áo, quần, nuốt vào bụng, nhét vào các lỗ tự nhiên); trong hành lý (như va li, túi xách); trong các phương tiện vận chuyển (như máy bay, ô tô, tàu thủy…). Quãng đường vận chuyển dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc định tội.

– Mua bán tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy thể hiện các hành vi cụ thể là:

+ Bán tiền chất cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Mua tiền chất nhằm bán cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Vận chuyển tiền chất để bán cho người khác mà nguwoif đó nahwmf mục đích sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Xin tiền chất nhằm bán cho người khác mà người đó nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Dùng tiền chất để trao đổi, thanh toán…;

+ Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán… lấy tiền chất để bán lại cho người khác mà người đó nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma túy.

– Chiếm đoạt tiền chất được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào để có được tiền chất. Các hình thức chiếm đoạt tiền chất như: cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt… Tiền chất bị chiếm đoạt có thể thuộc quyền quản lý của Nhà nước hoặc đang do cá nhân khác chiếm giữ, sở hữu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà đánh giá tội phạm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành. Nếu cướp tiền chất thì chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tiền chất, không kể người phạm tội đã lấy được các chất này hay chưa, tội phạm đã hoàn thành.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với tình tiết tăng nặng định khung ở khoản 2, chủ thế của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.

III. Một số vấn đề cần lưu ý

Tiền chất là những chất có trong tự nhiên hoặc tổng hợp, nó được dùng rộng rãi trong y học, nghiên cứu khoa học, trong công nghiệp… Vì vậy, những hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt các chất này chỉ phạm tội khi nhằm mục đích để sản xuất trái phép chất ma túy. Nếu không chứng minh được mục đích nhằm sản xuất trái phép chất ma túy thì không phạm tội hoặc phạm tội khác theo quy định của BLHS.

– Các tiền chất do phạm tội mà có là để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nếu người phạm tội tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy từ các tiền chất này thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248).

– Chỉ xử lý hình sự đối với người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy khi tiền chất có trọng lượng từ 50 gam (đối với chất rắn) hoặc 75 mililít (đối với chất lỏng) trở lên. Trường hợp tiền chất có trọng lượng dưới 50 gam hoặc dưới 75 mililít thì người vi phạm bị xử lý hành chính.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn