skip to Main Content

Thỏa thuận qua cuộc gọi, tin nhắn có giá trị pháp lý không?

1. Thỏa thuận qua cuộc gọi, tin nhắn có giá trị pháp lý không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hình thức của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự có thể được thể hiện thông qua một số hình thức sau:

– Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể;

– Giao dịch dân sự được thực hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì sẽ được coi là giao dịch bằng văn bản;

– Trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự đó bắt buộc phải được thực hiện bằng văn bản có thực hiện thủ tục công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện thủ tục đăng ký thì cần phải tuân thủ theo quy định đó.

Theo đó thì có thể nói, theo phân tích nêu trên thì hợp đồng, giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua lời nói, thông qua các cuộc gọi hoặc tin nhắn. Theo đó, việc hai bên thỏa thuận gọi điện thoại xác nhận thỏa thuận hợp đồng với nhau, nhắn tin thỏa thuận với nhau vẫn sẽ có giá trị pháp lý và phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 400 của Dân sự năm 2015 có quy định về thời điểm giao kết hợp đồng. Cụ thể như sau:

– Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng;

– Trong trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng được coi là sự chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định, thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó;

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói được xác định là thời điểm mà các bên đã thỏa thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng;

– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản được xác định là thời điểm sau cùng ký vào văn bản hay bằng một hình thức chấp nhận nào đó được cái hiện trên văn bản. Trong trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói, sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng.

Theo đó thì có thể nói, trường hợp giao kết bằng lời nói trước, sau đó ký văn bản sau thì thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản sẽ được xác định là thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói. Pháp luật dân sự hiện nay công nhận giao dịch bằng lời nói là một trong những giao dịch hợp pháp. Các bên hoàn toàn có thể gọi điện và thỏa thuận với nhau thông qua các cuộc gọi, tin nhắn. Do đó khi mua bán, chuyển nhượng hoặc thậm chí là thực hiện các giao dịch khác, các bên hoàn toàn có thể sử dụng phương thức này.

Ví dụ như: Mua bán những sản phẩm nhỏ lẻ phục vụ cho đời sống hằng ngày, người ta thường thỏa thuận mua bán bằng miệng thông qua cuộc gọi giữa người mua và người bán, hoặc thông qua các đoạn tin nhắn giữa người mua và người bán trên các phương tiện thông tin điện tử như facebook, zalo …  Việc lựa chọn hình thức hợp đồng thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi, giao dịch dân sự thông qua các phương tiện điện tử vẫn sẽ được coi là có giá trị pháp lý.

2. Rủi ro khi giao kết hợp đồng và thỏa thuận qua cuộc gọi hoặc tin nhắn: 

Có thể kể đến một số rủi ro khi giao kết hợp đồng, thỏa thuận thông qua các cuộc gọi hoặc tin nhắn điện thoại như sau:

Thứ nhất, nội dung của các giao dịch này không được thể hiện một cách đầy đủ và chi tiết. Đôi khi việc giao kết hợp đồng bằng miệng được các bên thỏa thuận một cách qua loa, nhanh chóng trên thực tế, không đảm bảo đầy đủ các nội dung trong quá trình giao dịch của các bên. Các bên chỉ thỏa thuận một số nội dung cơ bản, và các bên cũng không lường trước được các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng đó, cũng như việc bồi thường nếu như có tranh chấp xảy ra sẽ được giải quyết như thế nào.

Thứ hai, khó xác định được nội dung cụ thể của hợp đồng. Hợp đồng được giao kết bằng miệng chủ yếu dựa vào niềm tin và uy tín của các bên đối với nhau, việc giao kết hợp đồng bằng miệng thông thường cũng chỉ được thực hiện giữa hai bên, hình thức hợp đồng này ít khi có sự xuất hiện của người làm chứng để đảm bảo cho quá trình giao dịch được trở nên vô tư khách quan và minh bạch trong quá trình thực hiện. Vì vậy cho nên khi phát sinh tranh chấp rất khó để chứng minh nội dung đã giao dịch trước đó của các bên là gì để có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của mình. Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án trong quan hệ dân sự theo yêu cầu các bên phải chứng minh rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm. Khi ra tòa thì các bên chỉ có thể nói những điều có lợi cho mình, nội dung cốt lõi của hợp đồng này là nơi nói vì vậy cho nên mỗi bên nói một ý, ý kiến của các bên sẽ không trùng khớp với nhau, tòa án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đâu là nội dung chính xác của hợp đồng, bên nào là bên đang nói đúng sự thật.

Thứ ba, khi ra tòa để giải quyết tranh chấp thì sẽ không biết đưa chứng cứ là gì và chứng minh như thế nào cho hợp lý. Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong hoạt động tố tụng dân sự. Theo đó, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập và giao nộp chứng cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp này thì không có bất cứ một văn bản cụ thể nào chả hiện nội dung thỏa thuận của các bên được ghi lại trong văn bản, được ra tiền hoặc giao hàng hóa của các bên, các bên đều thực hiện nghĩa vụ của mình trên thực tế thông qua lời nói, khi khởi kiện thì các bên sẽ không có chứng cứ, không thể chứng minh về việc quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Vì vậy, chỉ nên thực hiện các giao dịch và thỏa thuận qua cuộc gọi, tin nhắn đối với những giao dịch có giá trị thấp, những giao dịch mang tính chất tiêu dùng trong đời sống hằng ngày.

3. Ghi âm cuộc gọi, ảnh chụp tin nhắn có được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về nguồn của chứng cứ. Theo đó, chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

– Tài liệu đọc được, tài liệu nghe được, tài liệu nhìn được, dữ liệu điện tử;

– Vật chứng và lời khai của đương sự;

– Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định;

– Biên bản kết quả thẩm định tại chỗ, kết quả giám định và thẩm định tài sản;

– Văn bản ghi nhận sự kiện và hành vi pháp lý do người có thẩm quyền lập, văn bản công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

– Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó thì có thể nói, dữ liệu điện tử và ghi âm cuộc gọi cũng được xem là một trong những nguồn chứng cứ để làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về việc xác định chứng cứ. Theo đó, thông điệp dữ liệu điện tử được thực hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo và các kiến thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Như vậy có thể nói, căn cứ theo các quy định nêu trên, tin nhắn cũng được xem là một dạng thông điệp dữ liệu điện tử, đây được coi là nguồn của chứng cứ.

Vì vậy cho nên, tin nhắn thông qua các phương tiện điện tử và thỏa thuận thông qua các cuộc gọi ghi âm sẽ được xem là nguồn của chứng cứ trong tố tụng dân sự nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: 

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn