skip to Main Content

PHÂN BIỆT GIỮA CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT

Các giai đoạn phạm tội được hiểu là các bước trong quá trình thực hiện phạm tội do cố ý trực tiếp được quy định trong Bộ luật Hình sự, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ở từng thời điểm cụ thể.

Quá trình thực hiện tội phạm có ba giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội chưa đạt và giai đoạn tội phạm đã hoàn thành.

Các giai đoạn phạm tội chỉ diễn ra trong các tội được thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Đối với tội vô ý, người phạm tội không có ý định phạm tội, không mong muốn hậu quả xảy ra cho nên tội vô ý chỉ có thể là những tội đã hoàn thành, không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt.

Vậy giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt được hiểu như thế nào? Dưới đây là bài viết về phân biệt giữa 2 giai đoạn trên. 

  • Khái niệm

Chuẩn bị phạm tội là trường hợp một người đang tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố nhằm khủng bố – điểm a khoản 2 Điều 299;  Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân – điểm a khoản 2 Điều 113; Thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân – Điều 109 (khoản 1 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) .

Ví dụ, A muốn cướp tài sản của nhà B, nên nhiều lần đến nhà B chơi để thăm dò trước lối sống, thói quen sinh hoạt của gia đình B, để tiến hành cướp tài sản. 

Phạm tội chưa đạttrường hợp một người cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ví dụ, X có ý định trả thù Y nên dùng súng bắn Y nhưng súng lại không nổ, nhân cơ hội ấy Y chạy thoát được nên đã không xảy ra chuyện gì đáng tiếc.

  • Hành vi

Chuẩn bị phạm tội: Chủ thể chưa bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm tương ứng thuộc Phần các tội phạm Bộ luật hình sự (tức là hành vi chưa xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ), mà chỉ mới thực hiện những hành vi tạo ra các điều kiện thuận lợi, cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhanh chóng về sau.

Phạm tội chưa đạt: Chủ thể đã thực sự thực hiện hành vi phạm tội, các quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ đã bắt đầu bị xâm hại, hậu quả đã gây ra cho xã hội, nên mức độ nguy hiểm cho xã hội của trường hợp này rõ ràng cao hơn so với trường hợp chuẩn bị phạm tội. Đồng thời sẽ đặc biệt nguy hiểm hơn nếu không có căn cứ “do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn” ngăn chặn lại việc tiếp tục để hành vi phạm tội đó tiếp diễn.

  • Hậu quả pháp lý 

Người thực hiện hành vi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội lại không phải chịu trách nhiệm hình sự (trừ hai trường hợp đặc biệt – khi một người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, như Tội phản bội tổ quốc – Điều 108, Tội gián điệp – Điều 110, Tội giết người – Điều 123, Tội cướp tài sản – 168, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản – Điều 169…).

Với trường hợp phạm tội chưa đạt thì tất cả các trường hợp, người thực hiện hành vi đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự trên những cơ sở chung tương ứng và điều này cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự.

  • Quyết định hình phạt 

Căn cứ Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về quyết định hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, như sau: 

Đối với 2 hành vi trên, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật Hình sự  về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

  • Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
  • Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn