NGUỒN CHỨNG CỨ
Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi rút ra các chứng cứ. Nguồn chứng cứ bao gồm người, vật, tài liệu mang các thông tin về vụ việc dân sự. Cách phân loại chứng cứ này giúp cho việc xác định các phương pháp thu thập chứng cứ được hợp lý và ngoài ra, việc tiếp cận, đánh giá, sử dụng chứng cứ cũng được chính xác, thuận tiện hơn. Theo đó, căn cứ vào nguồn chứng cứ, chứng cứ được phân thành: Chứng cứ theo vật và chứng cứ theo người.
- Chứng cứ theo vật: có thể là vật chứng, giấy tờ, tài liệu trong đó chứa đựng các tin tức về vụ việc tranh chấp giữa các bên. Ví dụ, chứng cứ theo vật thường tồn tại dưới cá dạng vật chất cụ thể như: bản di chúc, xe máy, ô tô, chìa khóa, đồng hồ, con dao… Chứng cứ theo vật ít có sự thay đổi hay bị biến đổi về giá trị chứng min, vì vậy, đây là loại chứng cứ luôn có độ tin cậy và chính xác cao hơn loại chứng cứ theo người.
- Chứng cứ theo người: có thể là các chứng cứ được rút ra từ chính lời khai của các bên đương sự hay của người làm chứng. Loại chứng cứ này có đặc điểm rất quan trọng, bởi vì, đương sự và người làm chứng cũng chính là những người tham gia vào sự việc hoặc chứng kiến sự việc xảy ra, vì thế, lời khai của họ thường chứa đựng những thông tin về vụ việc dân sự, từ đó có thể rút ra làm cơ sở để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, độ tin cậy, chuẩn xác của chứng cứ theo người còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như: Lợi ích, tâm lý, khả năng nhận thức, cảm nhận, khả năng nhớ, sự quan tâm của đương sự hay của người làm chứng. Trên thực tế xét sử không ít trường hợp người làm chứng bị khống chế, dụ dỗ, mua chuộc để rồi khai báo không đúng sự thật.
Theo Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nguồn chứng cứ bao gồm: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực; các nguồn khác mà PL có quy định. So sánh với Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, nguồn chứng cứ theo luật hiện hành đã được mở rộng hơn, bổ sung: DLĐT; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực vào nguồn chứng cứ và bỏ “tập quán” trong điều luật quy định về chứng cứ.
Ngoài ra các loại nguồn chứng cứ nêu trên, Bộ luật tố tụng dân sự còn thừa nhận các nguồn chứng cứ khác mà pháp luật có quy định – đây là quy định mở, có tính dự phòng trong trường hợp các văn bản pháp luật khác quy định có nguồn chứng cứ khác với nguồn chứng cứ đã được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Bất kỳ loại chứng cứ của vụ án nào cũng phải tồn tại trong một nguồn chứng cứ nhất định, nhưng không có nghĩa là khi thu thập một nguồn chứng cứ nào thì nhất thiết trong đó sẽ chứa đựng chứng cứ. Do đó, không được đồng nhất nguồn chứng cứ với chứng cứ, vì như thế sẽ phạm sai lầm trong đánh giá, sử dụng chứng cứ dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, thiếu chính xác. Ví dụ: Biên bản ghi lời khai của đương sự là một nguồn chứng cứ, nhưng có những trường hợp toàn bộ lời khai đó là gian dối, bịa đặt, việc lấy lời khai có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thì biên bản ghi lời khai đó không được coi là chứng cứ của vụ án; Đương sự giao nộp cho tòa án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong trường hợp đương sự chưa dịch chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp, thì tòa án không nhận chứng cứ đó.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com