skip to Main Content

Hành vi gian dối trong việc bán hàng bị xử lý như thế nào?

Kính thưa quý độc giả!

Hiện nay các hoạt động buôn bán diễn ra rất sôi nổi, nhiều mặt hàng được buôn bán tràn lan khắp nơi. Nhiều chủ thể kinh doanh vì mục đích lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm mình bán hay có những hành vi gian lận trong quá trình cân, đong, đo, đếm. Chính vì vậy, pháp luật đã đặt ra chế tài đối với những chủ thể có hành vi lừa dối khách hàng này. Hành vi gian dối trong việc bán hàng bị xử lý như thế nào?

Để quý độc giả quan tâm có thể hiểu rõ hơn về trách nhiệm hình sự đặt ra với các chủ thể có hành vi lừa dối khách hàng, công ty Luật Ánh Sáng Việt chúng tôi có một bài viết ngắn để làm rõ về tội lừa dối khách hàng.

Căn cứ pháp lí: Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Lừa dối khách hàng là Hành vi gian dối của người bán hàng trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng. Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường.

Tại  Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“1.Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

  1. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  2. b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  4. a) Có tổ chức;
  5. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  6. c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  7. d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
  8. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

Tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về phía người phạm tội:

  • Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng cũng không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người tham gia vào quá trình mua bán (thường là người bán) mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Các điều kiện khác về chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với các tội phạm khác. Chỉ người từ đủ 16 tuổi mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào

  • Hành vi phạm tội:

Để thực hiện thủ đoạn gian dối, người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng.

Nhà làm luật liệt kê một số hành vi điển hình trong việc mua, bán như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng. Tuy nhiên, để bảo đảm không lọt tội, nhà làm luật quy định có tính chất mở “hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác”, nhưng thủ đoạn bao giờ cũng được thể hiện bằng một hành vi cụ thể, nên ngoài những hành vi đặc trưng đã được liệt kê, người phạm tội lừa dối khách hàng có thể có những hành vi khác.

  • Mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.

Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.

  • Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong việc mua bán. Bất cứ trong một nền kinh tế nào thì việc mua bán phải bảo đảm tính trung thực, chống việc ăn bớt, cân điêu, mua đầy bán vơi,…

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, hàng hoá, vật phẩm được đưa vào quá trình mua bán trao đổi.

Hậu quả của hành vi lừa dối khách hàng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,… Hậu quả trực tiếp của hành vi lừa dối khách hàng  là gây thiệt hại vật chất cho khách hàng, làm cho khách hàng mất đi một phần số lượng hàng hoá hoặc hàng hoá không bảo đảm chất lượng.

Đối với tội lừa dối khách hàng, hậu quả thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu chưa gây hậu quả nêu trên thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

Trên đây là bài viết ngắn của công ty Luật Ánh Sáng Việt chúng tôi về tội lừa dối khách hàng. Hi vọng qua bài viết, các quý độc giả quan tâm có thể hiểu rõ hơn về tội lừa dối khách hàng.

Xin cảm ơn các quý độc giả đã luôn quan tâm và đồng hành cùng chúng tôi!

Trân trọng!

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn