ĐƯỢC GỬI NHỮNG QUÀ GÌ VÀO TRẠI TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Câu hỏi:
Em ruột tôi đang bị tạm giam để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Tôi muốn vào thăm có được không và được gửi những quà gì cho em?
Luật sư tư vấn:
1. QUYỀN ĐƯỢC GẶP THÂN NHÂN
Căn cứ quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định người bị tạm giam, tạm giữ có quyền: “Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự”.
Thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ bao gồm: người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại. (khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015).
Về thời gian được thăm thân: Khoản 1 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
Như vậy, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được gặp những người thân của mình theo quy định trên. Bạn là chị ruột của người bị tạm giam nên được phép thăm thân.
2. NGƯỜI ĐANG BỊ TẠM GIAM, TẠM GIỮ CÓ ĐƯỢC NHẬN QUÀ KHÔNG?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định về việc nhận quà của người đang bị tạm giam quy định: “Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.”
Khoản 3 Điều 3, Điều 4 Thông tư số 32/2017 của Bộ Công an quy định, danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giam và như:
– Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ.
– Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm.
– Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc.
– Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio; những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.
– Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức…
Về thời gian gửi quà được quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA: “Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi một lần trong thời gian tạm giữ; một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.”
Vậy, chị được gửi những quà theo quy định trên cho người bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, tiền phải được lưu ký tại cơ sở giam giữ chứ không được gửi trực tiếp cho người đang bị tạm giữ, tạm giam. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm mở sổ lưu ký để tiếp nhận, theo dõi, quản lý việc sử dụng tiền lưu ký. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống.
Trên đây là ý kiến của ASV, hy vọng quan điểm của ASV sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Công ty Luật Ánh Sáng Việt chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý với đội ngũ chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp. Quý khách hàng cần tư vấn cụ thể và hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ đến đường dây nóng: 0936.214.556.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT
Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.
Điện thoại: 024 6684 6117
Hotline: 0936.214.556
Website: luatanhsangviet.com - http://asvlaw.net
Email: luatanhsangviet@gmail.com