skip to Main Content

CÁC NGÀNH NGHỀ CẤM ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Ngày nay khi nước ta ngày càng hội nhập thì hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên pháp luật cũng đặt ra một số quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vậy các ngành nghề đầu tư, kinh doanh này cụ thể là gì? Pháp luật hiện hành quy định ra sao?

1. Khái niệm đầu tư kinh doanh

Theo Khoản 8, Điều 3 Luật đầu tư 2020: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”.

2. Các ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh

Điều 6 Luật đầu tư 2020 quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như sau:

“1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Khoản 1 Điều 27 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rằng:

“Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: 

a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh; 

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này; 

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí”.

Như vậy, những doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh bị cấm sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là không có quyền được thực hiện hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của mình.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư ngày 28/12/2021 quy định về chế tài xử phạt đối với việc kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật cấm, cụ thể mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, Khoản 4 Điều 16 Nghị định trên cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 16 vừa nêu.

Như vậy, với những ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư 2020, pháp luật cấm đầu tư, kinh doanh. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, đồng thời buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

3. Các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện

Quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2020:

“1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.

3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

4. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

5. Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

b) Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;

c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;

d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);

đ) Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;

e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).

6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:

a) Giấy phép;

b) Giấy chứng nhận;

c) Chứng chỉ;

d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;

đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

8. Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2020, cụ thể gồm 227 ngành nghề đầu tư, kinh doanh, trong đó điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Điều kiện đầu tư kinh doanh có thể áp dụng theo các hình thức như: Giấy phép; Giấy chứng nhận; Chứng chỉ; Văn bản xác nhận, chấp thuận; Các yêu cầu khác theo quy định pháp luật.

Trên đây là phân tích của chúng tôi về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo pháp luật hiện hành.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn