skip to Main Content

BẢO HỘ QUYỀN ĐỐI VỚI TÁC PHẨM PHÁI SINH (Phần 1)

Ảnh đăng Bài

  1. THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT 

Tác phẩm phái sinh (TPPS) là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở tác phẩm đã có, bằng việc thay đổi nội dung, hình thức thể hiện hoặc cả hai. TPPS mặc dù được tạo trên cơ sở tác phẩm đã có nhưng nó vẫn có yếu tố sáng tạo đủ để được bảo hộ như một tác phẩm độc lập.

Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT) 2005 không coi dấu ấn sáng tạo cá nhân là điều kiện để một tác phẩm hay TPPS từ nó được bảo hộ. Do đó dẫn đến rất nhiều khó khăn, trở ngại để phân biệt, một cách đúng đắn, tác phẩm nguồn với TPPS và nhận diện một TPPS. LSHTT 2005 không có quy định nào khẳng định tác giả TPPS cũng được hưởng bảo hộ quyền tác giả (QTG). Khả năng được bảo hộ của TPPS chỉ được nói đến tại Điều 4, Nghị định 76-CP của Chính phủ nhưng cũng không nói rõ TPPS được bảo hộ ở mức nào, có giống như một tác phẩm độc lập hay không.

1.1. Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm phái sinh

LSHTT 2005 khẳng định nguyên tắc: (1) Một tác phẩm vẫn được bảo hộ mà không cần mang dấu ấn sáng tạo cá nhân của tác giả, mà chỉ cần là một sáng tạo tinh thần; và (2) Không bảo hộ tổng quát chung: một tác phẩm dù được công nhận là tác phẩm vẫn chưa được bảo hộ nếu không thỏa mãn các điều kiện luật định khác nữa. Dù được công nhận theo khoản 8 Điều 4, một TPPS chỉ được bảo hộ nếu: a) không gây phương hại đến QTG của tác phẩm gốc, b) phải xin phép tác giả tác phẩm gốc khi làm TPPS 

Thứ nhất, là tác phẩm bắt nguồn từ tác phẩm đã tồn tại. TPPS là tác phẩm được sáng tác dựa vào một hoặc một số tác phẩm đã có từ trước. Tác giả có thể dựa vào nội dung, cách thức thể hiện, ý tưởng của tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới và hiển nhiên TPPS ra đời sau tác phẩm gốc. Tuy nhiên, để được tạo ra các TPPS thì tác giả cần được sự đồng ý của tác giả gốc, việc được sáng tạo TPPS là độc quyền của chủ sở hữu QTG. Do đó, tác giả cần phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc để được phép sử dụng đồng thời cần phải có nghĩa vụ tôn trọng tác giả của tác phẩm gốc.

Thứ hai, TPPS không phải là “bản sao” của “tác phẩm gốc”. Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định “Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bản sao chụp tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm”. Theo đó, với mọi hành vi như chép trực tiếp hay chép tay hay chép gián tiếp như chép thông qua người khác đọc cũng như hành vi sao chụp lại tác phẩm đều được coi là bản sao tác phẩm. Một trong các điều kiện quan trọng để TPPS được bảo hộ đó là không được sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm từ một hoặc nhiều tác phẩm khác. Điểm đặc biệt của TPPS chính là dù dựa trên các tác phẩm đã có nhưng phải thể hiện được sự mới mẻ, sự sáng tạo của tác giả về một khía cạnh nào đó về ý tưởng, cách thể hiện, trình bày… so với tác phẩm gốc. Đây chính là tính nguyên gốc” – tác phẩm được sáng tạo một cách hoàn toàn độc lập, sáng tạo so với tác phẩm gốc và không sao chép từ bát kỳ tác phẩm nào khác. Ngoài ra, pháp luật SHTT chỉ bảo hộ hình thức diễn đạt chứ không bảo hộ nội dung ý tưởng, theo đó tác phẩm có thể có nội dung, ý tưởng giống nhau nhưng hình thức thể hiện, cách thức thể hiện tác phẩm phải được làm mới so với tác phẩm gốc. Vậy nên, mặc dù các tác phẩm có cùng nội dung và ý tưởng nhưng cách thể hiện của mỗi tác phẩm khác nhau thì đều được LSHTT bảo hộ QTG .

Thứ ba, TPPS không được làm phương hại đến tác phẩm gốc. Theo quy định của LSHTT 2005: “TPPS chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến QTG đối với tác phẩm được dùng để làm TPPS”. TPPS được hình thành dựa trên tác phẩm gốc, để sáng tạo TPPS thì phải nhận được sự cho phép của tác giả gốc, chủ sở hữu QTG, bởi chủ sở hữu là người có toàn quyền sở hữu đối với tác phẩm của mình. Do đó, sau khi được phép sáng tác TPPS thì tác giả cũng phải tôn trọng chủ sở hữu QTG, không xâm phạm đến các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác giả gốc. Trên thực tế, có trường hợp một tác phẩm được coi là TPPS của một tác phẩm gốc này nhưng đồng thời lại là tác phẩm gốc, là cơ sở để hình thành nên TPPS khác. Tuy nhiên, dù tác phẩm là tác phẩm gốc hay TPPS đi chăng nữa thì chỉ khi tác phẩm được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định và đảm bảo được tính nguyên gốc của tác phẩm thì mới được bảo hộ QTG. Ngoài ra, các tác phẩm được bảo hộ QTG khi đảm bảo sự hài hòa lợi ích với lợi ích công cộng cũng như nội dung của tác phẩm không trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng và có hại cho an ninh, quốc phòng. Dù đáp ứng được hết các điều kiện ở trên để được bảo hộ QTG nhưng nội dung lại trái với chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục thì đều được coi là có nội dung trái pháp luật. Theo đó, chỉ những TPPS có nội dung không trái pháp luật mới được bảo hộ và đó là những điều kiện cơ bản mà một TPPS phải đáp ứng để bảo hộ QTG.

1.2. Chủ thể của quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Chủ thể của QTG đối với TPPS bao gồm tác giả và chủ sở hữu QTG . Tác giả TPPS là tác giả tạo ra các tác phẩm trên cơ sở một hoặc một số tác phẩm khác nhưng có sự sáng tạo về mặt hình thức thể hiện, cách thức trình bày tác phẩm so với tác phẩm ban đầu. Tác giả của TPPS bao gồm tác giả của tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Theo Điều 36 LSHTT, chủ sở hữu QTG là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc QTG. Chủ sở hữu QTG có thể đồng thời là tác giả hoặc không đồng thời là tác giả.

Kính mời quý độc giả đón đọc BẢO HỘ QUYỀN ĐỐI VỚI TÁC PHẨM PHÁI SINH (Phần 2) – Công ty luật Ánh Sáng Việt (asvlaw.net) để tiếp tục tìm hiểu thực trạng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ quyền đối với tác phẩm phái sinh và kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của ASV liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của ASV sẽ hữu ích cho Quý khách.

Công ty Luật Ánh Sáng Việt chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về doanh nghiệp với đội ngũ chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp. Quý khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vui lòng liên hệ đến đường dây nóng: 0961 204 082.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn