skip to Main Content

5 lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu

Tài sản sở hữu trí tuệ là loại tài sản ít được cá nhân, doanh nghiệp chú ý tới, một trong số đó chính là nhãn hiệu. Đây là một loại tài sản vô hình, có vai trò giúp nhận diện sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường. Vì thế, trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, cá nhân, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau.

1. Không thực hiện đăng ký nhãn hiệu

Một trong những yếu tố tạo ra sự cạnh tranh của cá nhân, doanh nghiệp trên thị trường là sản phẩm, dịch vụ. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi mới bước chân vào thị trường chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà quên mất rằng nhãn hiệu in trên đó cũng cần dành sự quan tâm.

Mỗi khi một sản phẩm, dịch vụ được đưa vào thị trường, bên cạnh việc cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ tương tự thì việc sản phẩm dịch vụ đó bị các đối thủ làm giả, làm nhái hoặc ngang nhiên sử dụng tên thương hiệu là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, việc đăng ký nhãn hiệu là việc làm cần thiết để nhãn hiệu sản phẩm tránh khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.

2. Kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu

Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, nhiều tổ chức, cá nhân không tiến hành kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu của mình xem liệu nhãn hiệu đó có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu khác hay không. Đây là một trong những vấn đề mà nhiều cá nhân, tổ chức thường mắc phải khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu muốn được bảo hộ cần có tính phân biệt với các nhãn hiệu khác. Một nhãn hiệu nếu trùng với một nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc thậm chí tương tự với một nhãn hiệu đã được bảo hộ có cùng sản phẩm, dịch vụ thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gần như là bất khả thi. Vì vậy, nếu không tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký nhãn hiệu thì việc làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sẽ trở nên vô nghĩa, vừa mất thời gian, vừa mất tiền.

3. Điều kiện đăng ký nhãn hiệu

Theo Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật SHTT) điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ quy định như sau:

(1) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

(2) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Như vậy, khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, cá nhân, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai yếu tố của nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được và khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Đây là hai yếu tố bắt buộc để nhãn hiệu có thể được bảo hộ.

4. Các dấu hiệu không được bảo hộ của nhãn hiệu

Các dấu hiệu không được bảo hộ của nhãn hiệu quy định chi tiết tại Điều 73 Luật SHTT, cụ thể:

(1) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;

(2) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

(3) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

(4) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

(5) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

5. Việc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài

Các doanh nghiệp thường cho rằng khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu của họ sẽ được bảo hộ tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác. Tuy nhiên trên thực tế lại không phải như vậy. Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có tính lãnh thổ. Điều này có nghĩa là khi một nhãn hiệu được bảo hộ ở một quốc gia không có nghĩa nhãn hiệu đó được tự động bảo hộ trên toàn  thế giới. Vì vậy, để nhãn hiệu được bảo hộ ở các quốc gia khác ngoài nước sở tại, người nộp đơn cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài.

Trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cần lưu ý rằng giống như các quy định pháp luật về các lĩnh vực khác, pháp luật sở hữu trí tuệ ở các nước có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, các quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như thủ tục đăng ký nhãn hiệu là không giống nhau ở các quốc gia. Do đó, khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài cần nghiên cứu thật kỹ các quy định liên quan của nước đó.

Trên đây là lưu ý của chúng tôi khi đăng ký nhãn hiệu.

 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT ÁNH SÁNG VIỆT

Trụ sở: Phòng 3B1, Tòa B - Sun Square, Số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 6117 

Hotline: 0936.214.556

Website: luatanhsangviet.comhttp://asvlaw.net

Email: luatanhsangviet@gmail.com

Back To Top
Search
Đăng ký tư Vấn